<Harmony/>[]
Người review: Perfectstrong (tên thân thiện: phẹt).
Cảnh báo Spoiler! Bài viết này có thể sẽ tiết lộ trước nội dung. |
Giới thiệu chung[]
Harmony là tiểu thuyết khoa học giả tưởng được viết bởi cố tác giả Keikaku Itou (Project Itou). Tác phẩm được chuyển thể thành phim anime và công chiếu 13/11/2015, ngoài ra hai tác phẩm khác đồng tác giả là Genocidal Organ (Cơ Quan Diệt Chủng) và Empire of Corpses (Đế Quốc Xác Chết) cũng được lên màn ảnh. Một PV sử dụng hình minh họa của Redjuice (Guilty Crown, Beatless) dùng để quảng bá cho bộ phim trên đã được chiếu vào ngày một tháng Tám, 2014.
Tác phẩm đã đem về hai giải thưởng là Nihon SF Taisho và Seiun Award trong năm 2009 cho tác giả. Trong đó Giải Thưởng Seiun là giải thưởng danh giá được trao cho tác phẩm khoa học giả tưởng xuất sắc nhất của Nhật Bản.
Sơ lược[]
Truyện[]
Nửa sau thế kỷ 21, sau khi trải qua cơn hỗn loạn toàn cầu mang tên «Thời Kỳ Loạn Lạc», con người đã xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội với quy mô lớn.
Bệnh tật hầu như bị xóa sổ nhờ sự phát triển của các phân tử y tế medicule, vì thế một Utopia, tràn ngập lòng tốt và đạo đức giả tạo, được dựng nên.
3 cô gái vì chán nản với xã hội này nên đã chọn cách tuyệt thực để chết——
13 năm sau, trong khi cơn hỗn loạn đang bí mật tấn công thế giới, cô gái chưa chết - Kirie Tuan, gặp lại hình bóng của cô gái lẽ ra đã chết một mình——
Trailer film[]
Nhân vật[]
Nhận xét[]
Câu chuyện[]
Tác giả đã vẽ nên thành công một thế giới siêu dược viễn tưởng, quá tốt đẹp, quá lành mạnh, cuồng tín tính mạng và bị trùm kín bằng tấm lụa hồng. Bên dưới tấm lụa là những quả bom nổ chậm mang tên "tôi".
Spoiler: Chi tiết hơn |
---|
Thật vậy: Năm 2019, chiến tranh hạt nhân nổ ra nhờ ơn một số kẻ khủng bố điên cuồng đã đánh cắp đầu đạn hạt nhân từ Mỹ. Bạo động nổi lên ở khắp nơi, dịch bệnh lan tràn không thể kiểm soát. Khó mà tìm được chỗ nào trên Trái Đất bấy giờ không có bụi hạt nhân độc hại. Con người lâm vào con đường tuyệt diệt. Hậu thế gọi giai đoạn ấy là Thời Kỳ Loạn Lạc (The Malestrom). Để tự vệ trước môi trường khắc nghiệt ấy, con người phát minh ra WatchMe. Bằng hạt phân tử y tế medicule, nó theo dõi từng tế bào, từng ARN trong cơ thể với chế độ thời gian thực, rồi cấp tốc báo cáo cho máy chủ y tế để tải về công thức chữa bệnh nếu phát hiện dấu hiệu bệnh. Bộ dụng chăm sóc y tế gia dụng medcare sẽ nhận nhiệm vụ điều chế thuốc, công việc còn lại của con người là đặt niềm tin và uống vào. Vì vậy, mọi bệnh tật gần như bị đánh đuổi khỏi bề mặt địa cầu. Mặt khác, con người bắt đầu dựng lên chủ nghĩa sinh mệnh, tôn mạng sống con người lên hàng cao nhất, xây dựng chế độ đạo đức lý tưởng, nơi con người đối xử tốt, quan tâm lo lắng với kẻ ở bên. Thế giới được chia thành các sinh phủ - chính phủ cỡ nhỏ tuân theo chủ nghĩa sinh mệnh. Con người không tự mình quyết định những điều to tát mà tham gia hội họp, tham khảo ý kiến chuyên gia. Họ tuân theo một lối sống được phác thảo trước bởi một kẻ khác. Cái "tôi" bị xóa mờ ít nhiều. Ai cũng giống như ai. Như một rừng ma-nơ-canh vậy. Ngoài ra, những thứ gì có khả năng gây hại cho tâm lý đều bị loại bỏ: tòa nhà cao không còn vẻ uy nghiêm, tác phẩm nghệ thuật không thể xuất hiện nếu bị đánh giá là có thể gây kích thích tâm lý quá mức, toàn thế giới được phủ bằng những gam màu không gây nhức mắt, v.v. Họ đề cao ý thức tài nguyên, lẽ phải quần chúng. Trần thế hồ như một thiên đường, một Utopia xưa kia ta vẫn kiếm tìm. |
Nền truyện gây ấn tượng mạnh, song cốt truyện của tác phẩm nhìn chung thẳng mạch, không quá phức tạp và dẫn nhập khá từ tốn.
Khởi đầu là một sự kiện chấn động, xô lệch nền hòa bình giả tạo đang có bằng cái chết của 2796 con người.
<list:item>
- <i: kéo>
- <i: đũa>
- <i: nhảy lầu>
- <i: treo cổ>
- <i: cắt cổ tay>
- <i: máy cưa>
- <i: dao ăn>
</list>
<list:dialogue>
- <d: Nè, chắc là mình đâm được cây đinh ghim này xuyên qua động mạch cảnh mình.>
- <d: Ái dà, cái máy cưa này hẳn sẽ cực hoàn hảo để cắt đứt đầu mình!>
- <d: Hử, cậu có nghĩ nếu tớ đâm đũa qua mắt mình, tớ có thể chạm tới bộ não tớ không?>
- <d: Hừmm, mình dám chắc là sợi dây đó rất hoàn hảo để treo cổ!>
</list>
Và đồng thời là nguyên do đầu tiên khiến Tuan lên đường điều tra: bạn cô, Cian, đã tự sát cùng lúc ấy ngay trước mắt cô.
Vụ "khủng bố" tiếp tục leo thang với tuyên bố từ một đoạn audio kỳ lạ được gửi tới sóng truyền hình:
<log:media=Network24:id=225-78495hu6r-yti5h23j-09>
- Trong tuần tiếp theo, tôi muốn mỗi người trong các vị giết ít nhất một người khác.
</log>
Nghe giọng nói ấy, cô đoán ngay tuy không khỏi rùng mình, kẻ giật dây đằng sau không ai khác, chính là Miach – người đáng nhẽ đã chết 13 năm trước.
Trên con đường truy tìm người thủ lĩnh cũ, nữ chính tìm hiểu được bản chất của linh hồn và ý chí, cũng như quá khứ đặc biệt của Miach. Cuối cùng, Tuan ngộ ra mục đích thật sự của Miach – Miach muốn phá hủy thế giới, nhưng không phải thế giới vật chất, mà chính là thế giới phi vật chất, cô ấy muốn đưa cõi trần vào sự hài hòa hoàn hảo, tức <Harmony/>.
Dọc theo câu chuyện, ta thấy được một cách nhìn mới về cái "tôi". Trong thế giới siêu dược này, khi con người đã giao khoán gần hết mọi bộ phận cơ thể của mình cho kẻ khác, chỉ còn duy nhất bộ não cùng những suy nghĩ của nó – điều tạo nên ý chí và linh hồn, tức cái "tôi" – là chưa được chính thức kiểm soát từ bên ngoài, tuy đã có các biện pháp giáo dục tư tưởng và điều trị thuốc men cộng lòng tốt.
Chúng ta đều biết cái "tôi" đã gây nên bao thảm kịch trong lịch sử nhân loại. Nó dựa theo đồ thị hyperbol vô lý: giá trị của sự vật, sự việc sẽ giảm mạnh theo thời gian như một đường hyperbol. Nó không hài hòa. Do vậy, để đạt tới hoàn mỹ, cần phải loại trừ cái "tôi", thay thế nó bằng "xã hội".
Dầu cho mô típ truyện là hậu tận thế và trái đất lâm vào khủng hoảng mới, nhân vật chính của chúng ta - Tuan không quan tâm tới sự hỗn loạn trên địa cầu gây ra bởi tay Miach. Cô làm chỉ cho bản thân cô. Nói cách khác, vì lý do "riêng tư" – một cụm từ đã trở nên không lành mạnh trong sinh phủ. Cô trả thù cho Cian và ba cô. Đấy là hành động của ý chí cô, của cái "tôi" của cô, khi thế giới đã bỏ mặc cái "tôi". Điều này tạo nên điểm nhấn cho nữ chính trong câu chuyện.
Cuối truyện, để chấm dứt cơn hỗn loạn hiện tại, dẫu biết rằng việc đánh mất cái "tôi" là đánh mất "linh hồn", tức chết, các trưởng lão vẫn miễn cưỡng quyết định khởi động chương trình <Harmony/> - đôi cánh của thiên thần mang con người tới ngưỡng thiên đường.
Khi đôi cánh của thiên thần chạm vào đầu con người, ý thức và ý chí của họ biến mất.
Trong thế giới mới này, vạn sự đều minh bạch, không còn thứ gì để chọn lựa.
Chúng ta đang sống.
Trong một thế giới có mọi thứ đúng theo lý lẽ.
Không phân vân, không chọn lựa, không quyết định. Thứ gì đấy rất gần với thiên đường.
Không còn cái "tôi", thế giới bước vào guồng vận hành như nó đáng lý phải làm từ xưa. Mọi cảm xúc vẫn tồn tại: con người vẫn khóc khi buồn, vẫn cười khi vui, vẫn làm việc như trách vụ của mình. Duy chỉ một điều: mọi cảm xúc được tính toán cho phù hợp sự hài hòa của xã hội, không có sự lựa chọn mập mờ. Toàn xã hội là một thể thống nhất, mọi thứ đều minh bạch.
Chúng ta đã gặp những câu chuyện về người máy có cảm xúc như con người để nhận thấy cuộc sống tươi đẹp, nhưng đã bao giờ chúng ta thử nghĩ nếu con người trở nên máy móc, điều khiển mọi xúc cảm trong thân xác thì thế giới này có tốt đẹp hơn không? Tác giả không ca ngợi cũng không phê phán "thời đại mới" nhưng những gì nó có không khỏi để lại trong người đọc một cảm giác ớn nhợn nơi sống lưng.
Lối viết[]
<?Emotion-in-Text Markup Language:version1.2:encoding=EMO-590378?>
<!DOCTYPE emtl PUBLIC :-//WENC//DTD ETML 1.2 transitional//VI>
<etml:lang=jp>
<etml:lang=vi>
Điểm đặc biệt nhất của tác phẩm là nó được viết theo ETML (ngôn ngữ đánh dấu cảm xúc trong văn bản), từa tựa HTML (ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản) hoặc XML (ngôn ngữ đánh dấu mở rộng). Cái kết khiến ta không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng toàn câu chuyện được kể lại ở "thời đại mới" cho một ai đó nghe.
Tại sao lại ETML? Theo người viết, khi cảm xúc đã được định cho phù hợp, việc cần làm chỉ là đánh dấu chỗ nào dùng cảm xúc nào cho đúng, một cách chính xác để người đọc sau này có thể tái tạo lại những xúc cảm bị lãng quên từ lâu. Con người hoàn hảo homo perfectus vận hành như một module siêu tinh vi trong cỗ máy xã hội, thì sử dụng ETML âu cũng là điều hợp lý.
Mục đích của đánh thức những cảm xúc bị lãng quên là gì? Không ai biết, nhưng người viết đồ rằng đấy chỉ là điểm thêm chút màu sáng/tối cho bức tranh hoàn mỹ.
Lời kết[]
Tuy được xếp là tiểu thuyết, tác phẩm không quá dài, thậm chí là ít so với Light Novel. Cốt truyện không dữ dội, mang hơi hướm một lời tự sự điềm tĩnh. Dầu vậy, tác phẩm xứng đáng có một chỗ đứng tốt trong kệ sách những fan của sci-fi, tâm lý. Phiên bản movie có những thay đổi so với tiểu thuyết nhưng vẫn tái hiện xuất sắc cảm giác của tác phẩm mang lại. Bạn đọc có thể đón xem để hiểu rõ <Harmony/> hơn.