Sonako Light Novel Wiki

/2 (Xoắn Ốc Mâu Thuẫn, 2)[]

Có tiếng cốp phát ra từ phòng bên cạnh.

Lúc này chắc cũng gần mười giờ. Từ lúc tôi ngả mình trên đệm sau ca làm việc mệt mỏi mới được vài phút. Sau khi bị đánh thức khỏi giấc ngủ nông, tôi chuyển sang trạng thái mơ màng.

Âm thanh ấy chỉ vang lên một lần rồi im hẳn.

Cánh cửa kéo thông sang phòng bên cạnh bị mở ra. Luồng sáng hình tứ giác tràn vào căn phòng đã tắt điện tối om của tôi. Là mẹ à? Tôi nhìn ra hướng ấy bằng đôi mắt ti hí…


… Luôn luôn là nơi này, tôi thầm nghĩ. Khung cảnh này, giá mà không phải nhìn thấy.


Người mở cửa là mẹ. Vì ngược sáng nên tôi chỉ biết rằng mẹ đang đứng. Ngoài dáng mẹ đứng ra, thứ duy nhất mà tôi nhìn thấy được là cảnh tượng hãi hùng ở phòng bên cạnh, đằng sau cánh cửa kéo.  

Người đang úp mặt trên chiếc bàn trà thấp loại rẻ tiền… là cha. Chiếc bàn vốn màu nâu đã bị nhuộm đỏ au. Thân thể của cha không ngừng chảy máu… trông hao hao giống một cái van nước bị rò.

“Tomoe, chết đi con.”

Cái bóng đang đứng thẫn thờ cất tiếng. Chỉ khi con dao thái thịt cắm vào ngực, tôi mới nhớ ra cái bóng ấy là mẹ của tôi. Sau khi đâm không biết bao nhiêu nhát vào ngực cậu con trai, cuối cùng mẹ tự đâm vào yết hầu của chính mình.

Nếu bảo đây là ác mộng, thì quả đúng là ác mộng.

Một đêm của tôi luôn kết thúc theo cách này.



Lạch cạch, lạch cạch, lạch cạch.

… Bị âm thanh văng vẳng từ sâu bên trong tai đánh thức, tôi tỉnh giấc thì thấy Ryougi đã không còn ở nhà.

Tôi gượng thân thể đầy vết bầm ngồi dậy và quan sát quanh phòng. Nơi này nằm ở cuối hành lang tầng hai của một khu tập thể bốn tầng, là nhà của thiếu nữ mặc kimono. Không, gọi là một phòng trọ thì chính xác hơn. Hành lang dẫn từ cửa ra vào đến phòng khách chỉ dài khoảng một mét, ở lưng chừng có một cánh cửa dẫn vào phòng tắm.

Trong phòng khách hình như kiêm luôn phòng ngủ có kê một chiếc giường mà mới nãy chị ta hẵng còn ngủ trên đấy. Bên cạnh còn một phòng nữa bị bỏ không, chắc là vì không dùng đến.

… Đêm qua, sau khi đi bộ theo chân chị ta tận một tiếng đồng hồ thì chúng tôi đến căn hộ này. Hộp thư ngoài cửa đề người nhận là Ryougi nên tôi đoán đấy là họ của chị ta.

Thái độ của chị ta phải nói là lấc cấc. Nó khiến tôi ngứa mắt, tức anh ách, thậm chí định thượng cẳng chân hạ cẳng tay cho bõ tức. Nghĩ trong lòng vậy thôi chứ tôi không dám làm thật, ở nơi này mà lớn tiếng thì sẽ thu hút sự chú ý của người khác, chẳng khác nào tự chuốc họa vào thân, nên đành dùng đệm ngồi thay gối, đánh một giấc dưới sàn.

Đến khi tỉnh giấc thì chẳng thấy bóng dáng của chị ta đâu nữa.

“… Cái giống gì không biết.”

Tôi buột miệng thì thầm. Giờ đã bình tĩnh và ngẫm lại, tôi đoán Ryougi chắc chỉ bằng tuổi tôi là cùng. Ngoại hình của chị ta thiên về một thiếu nữ hơn một người đàn bà.

Nếu quả thực chị ta chỉ mới mười bảy tuổi thì vẫn còn là học sinh, tức là vẫn phải đến trường… Không đúng. So với một học sinh thì căn phòng này quá vô vị. Trong phòng chỉ có giường ngủ, tủ lạnh, điện thoại bàn, móc treo áo khoác đang treo cái jacket da thuộc và tủ nhiều ngăn để đựng âu phục. Chẳng có cả ti vi lẫn loa đài. Tạp chí cũ đã đọc xong, hay thậm chí một cái bàn cũng không nốt.

Bất chợt, tôi nhớ lại cuộc đối thoại tối qua. Khi tôi nhận mình là kẻ giết người, Ryougi đã đáp rằng chị ta cũng vậy… Câu nói nghe có vẻ phi thực tế đó chưa biết chừng là sự thật. Bởi căn phòng này là phòng của một kẻ lưu vong. Nó thiếu sinh khí của cuộc sống thường nhật đến phát sợ. Nghĩ đến đây, một cơn ác hàn bất chợt chạy dọc sống lưng. Tưởng rút được át bích, nhưng thực ra tôi đã rút phải joker cũng nên.

… Dù sao thì tôi cũng không có ý định ở lại lâu. Tôi muốn cảm ơn một câu trước khi đi, nhưng Ryougi vắng nhà nên không còn cách nào khác, đành lặng lẽ rời khỏi căn phòng  của người con gái lạ mặt ấy trên những bước chân thận trọng, giống như một tên trộm rời khỏi căn hộ vừa đột nhập.


Rời khỏi nơi ấy xong, tôi lang thang không mục đích. Mới đầu còn rón rén bước trên những con phố dân sinh, nhưng đời vẫn vậy, chẳng can hệ đến tình cảnh của tôi, tiếp tục lặp lại chu trình thường nhật không có gì biến đổi tựa như vòng quay của kim đồng hồ. Rốt cuộc chỉ thế này thôi à? Tôi liều lĩnh ra hẳn phố lớn. Đường xá vẫn vậy. Không thấy bóng dáng cảnh sát đi lùng tung tích của Enjou Tomoe, cũng chẳng có ánh nhìn dè bỉu nào nhằm vào kẻ giết người. Xem ra mấy cái xác vẫn chưa bị phát hiện. Phải rồi, làm gì có chuyện đời thay đổi ngay tức khắc vì hành vi của một đứa phế vật như tôi. Tôi vẫn chưa đủ tư cách để bị truy lùng. Tuy vậy, tôi cũng chẳng bói đâu ra can đảm mà trở về nhà của mình.

Quá trưa, tôi đặt chân đến một quảng trường có bức tượng đồng hình con chó và ngồi đại lên một cái ghế băng, ngước nhìn những biển quảng cáo điện to tướng gắn trên các tòa nhà. Thời gian cứ thế trôi đi vài giờ. Hôm nay chỉ là ngày thường trong tuần, vậy mà người qua lại quảng trường này vẫn quá đỗi hối hả. Vỉa hè chỉ chực vỡ bờ, đèn tín hiệu đầu vạch qua đường chuyển xanh cái là cơn lũ người ùa ra cuồn cuộn, chặn đứng xe cộ. Phần lớn nước lũ là những con người trạc tuổi tôi, đang mải miết bước về phía trước, gương mặt chẳng rõ đang tươi cười hay đang tỏ thái độ tôi-hiểu-mà. Trong họ không có ai lạc đường cả… à, không khéo họ thậm chí còn chưa từng nghĩ đến khái niệm lạc đường. Trên gương mặt của họ, tôi không tài nào tìm được nổi “s” trong “suy tư” hay nỗ lực sống cho trọn vẹn ở hiện tại vì tin vào tương lai hoặc một giấc mơ đang ấp ủ. Ai cũng như ai, trưng ra gương mặt thấu hiểu, nhưng được bao nhiêu cái không phải mặt nạ?

Tất cả, hay chỉ một số ít ỏi?

Thật và giả. Tôi tiếp tục căng mắt tìm kiếm vật thật, những gương mặt không biết cách lẫn vào bầy người, nhưng hoàn toàn không phân biệt nổi. Phải chăng đó là điều đương nhiên…? Vì vốn dĩ chỉ chính những người mang gương mặt thật mới phân biệt được? Tôi thôi không quan sát họ nữa và ngước lên trời.

À… Ít ra tôi còn biết mình không phải vật thật. Tôi từng luôn cho rằng mình là vật thật, nhưng bản chất bị bóc trần một cách dễ dàng.

… Trước khi lên cao trung, Enjou Tomoe vẫn là một vận động viên chạy nước rút có tiếng trong giới điền kinh. Suốt những năm tháng sơ trung tôi chẳng biết thua là gì, chưa lần nào phải nhìn lưng của tuyển thủ khác. Tôi vững tin rằng kỉ lục cá nhân còn có thể rút ngắn được nữa, và không mảy may hoài nghi về tài năng của mình. Tôi thích chạy, thích hơn tất thảy mọi thứ, riêng điều đó là sự thật. Tôi từng tâm niệm rằng dẫu gian truân đến mấy mình cũng không từ bỏ.

Ấy vậy, tôi vẫn từ bỏ việc chạy bộ.

Nhà tôi vốn túng thiếu. Cha tôi mất việc từ khi tôi còn học tiểu học, tài chính ngày càng suy kiệt. Mẹ tôi xuất thân danh giá, đã phải cắt đứt quan hệ với nhà ngoại để kết hôn với cha.

Một người cha mất việc, không lao động và một người mẹ chưa trải sự đời, không thể làm được trò trống gì. Chắc hẳn vì lớn lên trong gia đình đầy éo le như vậy nên tôi sớm hiểu chuyện hơn những đứa nhóc khác. Chẳng nhớ từ khi nào tôi đã biết khai man tuổi để đi làm kiếm tiền, tự mình xoay sở học phí. Trong nhà xảy ra chuyện gì tôi không cần biết, tôi làm tất cả đều vì bản thân. Đi làm, đi học sơ trung, nhập học cao trung… mọi việc tôi đều chỉ dựa vào sức của bản thân. Hai con người không đáng được coi là cha mẹ và vấn đề tiền nong để trang trải hàng ngày. Với tôi, cái đứa phải ôm hai nỗi bức bối ấy trong lòng, chạy bộ là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Dẫu mệt mỏi tới đâu đi chăng nữa, riêng sinh hoạt của câu lạc bộ điền kinh tôi không bao giờ nghỉ, thậm chí nhờ chạy nhanh mà tôi còn vào được cao trung.

Nhưng không bao lâu sau, cha gây tai nạn. Xe của ông đâm trúng người ta, trong cái rủi còn có cái xui, ông không có bằng lái. Hình như mẹ đã phải tới quỳ lạy ông bà ngoại xin vay tiền để bồi thường cho người ta. Khi chuyện xảy ra thì tôi đã đổ đốn sẵn, chẳng biết suy nghĩ nên cũng không rõ lắm.

Kiện tụng xong xuôi thì đến lượt môi trường xung quanh thay đổi, mặc dù tôi và hai vị song thân không liên quan gì tới nhau. Chỉ vì tôi là con họ mà thái độ phía nhà trường quay ngoắt 180 độ. Cố vấn của câu lạc bộ điền kinh lúc trước vẫn niềm nở quay sang dè bỉu ra mặt. Các đàn anh đàn chị bấy lâu nay luôn kì vọng, bồi dưỡng đứa đàn em mới nhập học thì gây áp lực để buộc tôi rời khỏi câu lạc bộ. Nhưng khi đã quá quen với những việc ấy thì tôi không mấy bận tâm. Vấn đề nằm ở gia đình. Cha mất đi nguồn thu nhập còm cõi, không còn khả năng xoay đủ ba bữa một ngày cho cả nhà. Mặc dù mẹ cũng đã bắt đầu làm các công việc bán thời gian mà bà chưa từng động vào, nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ đóng điện nước.

Cha tôi vốn đã không có công việc ổn định mấy năm nay, mãi tới khi chuyển sang làm tài xế không bằng lái thì lại gây tai nạn làm chết một mạng người. Tin ấy bị hàng xóm thổi phồng và lan truyền, khiến ông không dám ra khỏi nhà. Mẹ vừa cắn răng chịu đựng đàm tếu vừa đi làm, nhưng cũng chẳng làm được ở nơi nào lâu dài. Dần dà, chỉ cần bước đi ngoài đường thôi cũng đủ khiến chúng tôi phải nhận những tiếng la ó, bắt dọn đi.

… Sự quấy nhiễu của môi trường xung quanh mỗi ngày một tăng, nhanh đến chóng mặt, nhưng tôi không vì thế mà tức giận. Bởi việc cha tôi gây tai nạn là sự thật rành rành. Sự phân biệt đối xử hay khinh miệt của họ âu cũng là phản ứng đương nhiên. Người đời không có lỗi, người có lỗi là cha tôi.


Mặc dù nghĩ vậy nhưng tôi không hề chĩa mũi giáo bực tức vào hai vị song thân. Bởi hồi ấy cái gì cũng có thể khiến tôi bực mình. Đủ loại rắc rối cứ quấn lấy tôi, phiền phức vô cùng. Tôi làm gì, cố gắng đến đâu thì kết quả cũng như nhau. Bất kể tôi chạy nhanh thế nào đi nữa, mối hiểm họa “gia đình” vẫn bắt kịp. Mà như thế thì tương lai sau này thế nào đã quá rõ rồi…

Chắc hẳn đây là thời điểm mà tôi không còn muốn chống cự nữa.

Mọi cố gắng trầy trật của tôi rốt cuộc đều vì muốn một cuộc sống bình thường  như bao người. Chỉ cần chấp nhận đời mình vĩnh viễn không thể được như vậy thì tôi sẽ không còn cảm thấy bất hạnh. Tôi quyết định thay thế ảo tưởng bằng sự khôn ngoan, tự mình sống cuộc đời của riêng mình, giống như hồi nhỏ.

Quyết định ấy đã dẫn đến một nước đi dại dột; bỏ học. Cũng không hẳn là dại dột, vì nếu tôi không đi làm cả ngày thì chẳng đủ nuôi ba miệng ăn. Không đủ tuổi thì đã có “thâm niên” bù lại phần nào. Thứ lương tâm nửa vời không cho phép tôi quay lưng lại với gia đình. Nói thì hay nhưng từ khi bỏ dở cao trung, tôi thậm chí chẳng nói chuyện câu nào với cha mẹ.

Thế rồi… từ lúc nào không biết, tôi quên hẳn việc chạy bộ mà tôi trân trọng không kém gì vật ấy và cũng là thứ duy nhất cứu vớt cuộc đời tôi. Tôi bàng hoàng khi nhận ra rằng chỉ vì chừng đó bất hạnh xảy đến đã đủ khiến tôi từ bỏ chạy bộ. Không còn ai khen ngợi nữa. Không còn thời gian rảnh nữa. Trước những yếu tố nghe như biện minh, cảm xúc “yêu” đã phải đầu hàng. Nếu là vật thật… thì với tôi, chạy bộ phải là thứ không thể thay thế được. Nếu nó là cội rễ của con người Enjou Tomoe thì chẳng thể nào có chuyện tôi từ bỏ nó.

… Hồi còn bé tí, trong lần được cha mẹ đưa đi chơi ở trang trại, tôi đã nhìn thấy ngựa. Ngay cả tên gọi của loài động vật ấy là gì tôi còn chưa biết, vậy mà nước mắt đã ứa ra không ngừng chỉ vì nhìn thấy dáng chúng chạy. Nếu có kiếp trước, chắc chắn tôi đã từng là một trong số chúng. Hành vi “chạy” khiến con tim tôi rung động mạnh đến nỗi tin vào điều đó.

Nhưng tôi là vật giả. Phải. Chẳng qua chỉ là một món đồ nhái mang trong mình niềm tin của vật thật…

“… Và cuối cùng thì ra tay giết người.”

Tôi thử cất tiếng cười khùng khục. Con người đúng là một thứ đầy rẫy hỏng hóc, chuyện chẳng vui vẻ gì mà cũng cười được. Chán nhìn trời, tôi lại nhìn phố phường… Dòng lũ người vẫn chảy như trước, không hề gián đoạn. Trong những kẻ bước đi với gương mặt tươi cười hoặc nghiêm túc ấy, tuyệt nhiên không có vật thật. Nếu đã biết mục đích của cuộc đời thì làm gì có chuyện người ta nán lại cái sân vui chơi này. À không, biết đâu mục đích của họ chính là vui chơi thì sao…? Cái kiểu “vật thật” ấy, tôi không tài nào chấp nhận nổi.

… Lạch cạch, lạch cạch, lạch cạch.

Nghĩ đến đây thì sực tỉnh. Tôi… đâu phải một đứa có chính kiến rõ ràng tới mức tự cho mình là đúng như thế này.

Tôi nhìn lên đồng hồ. Cũng sắp xế chiều. Không thể cứ ngồi lì ở đây mãi nên tôi bâng quơ đứng dậy, bỏ lại dòng người cuồn cuộn sau lưng.

<>


Tôi đã đi bộ được ba tiếng đồng hồ kể từ lúc mặt trời mùa thu lặn. Đèn đường rọi ánh sáng yếu ớt lên các con phố dân sinh xa lạ. Đang băn khoăn không biết chúng định phơi bày màn đêm đến đâu thì tôi chợt nhận ra mình đang lang thang gần căn hộ của Ryougi.

Ngạc nhiên thật, khi rơi xuống đáy cuộc đời, con người ta sẽ trở nên ủy mị nhường này ư? Tôi… thằng nhóc tên Enjou Tomoe luôn tự hào về sở trường thay đổi cảm xúc xoành xoạch, nhưng như thế này không liên quan gì đến nhanh chậm. Tất cả đều do tôi không thể cắt đứt sự quyến luyến.

Ngẩng lên thì thấy phòng của Ryougi không sáng đèn. Chắc vắng nhà.

“… Thôi kệ, đằng nào cũng đã đến đây rồi.”

Dẫu biết không nên tự tiện vào nhà khi gia chủ đi vắng, nhưng tôi vẫn bước lên cầu thang. Bởi tôi muốn đưa ra tối hậu thư với bản thân đang bấu víu lấy bàn tay duy nhất chìa ra, bằng cách đối diện với thực tế tàn nhẫn. Sau vài bước chân phát ra tiếng coong coong trên những bậc thang bằng thép, tôi đã đứng trước cửa căn phòng cuối hành lang tầng hai. Tờ báo cắm trong hộp thư khi tôi rời khỏi đây sáng nay bây giờ không còn nữa. Dường như Ryougi có về nhà một lần. Tôi gõ cửa nhưng không thấy động tĩnh gì.

“Đấy, mày thấy chưa Tomoe? Không có nhà.”

Định bụng bỏ đi nhưng tôi vẫn thử vặn nắm đấm cửa.

… Không khóa. Cánh cửa nhẹ nhàng mở ra. Bên trong tối om. Bàn tay nắm lấy nắm đấm cửa đông cứng, mặt trở nên trắng bệch. Trong đầu hẵng đang thầm quở trách, mày cứ đứng đực ở đây đến bao giờ hả, thì chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào… tôi đã lỡ lách người qua khe cửa để đột nhập vào bên trong.

Cổ họng phát ra một tiếng ực. Không thể nào, không thể nào, sao tôi lại làm cái chuyện này!?

Quả thật tôi có tự nhận mình là kẻ sống ngoài vòng pháp luật, nhưng phàm mấy hành vi y như tội phạm này thì tôi chúa ghét. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã ghét chơi bẩn. Vậy mà bây giờ, hết giết người lại đến đột nhập trái phép… Không đúng, đây là trường hợp bất khả kháng, với lại chị ta cũng đã bảo tôi thích ở thì ở, thích đi thì đi mà!

Lạch cạch, lạch cạch, lạch cạch.

Vừa viện ra những cái cớ ngang ngược, tôi vừa tiến vào bên trong. Từ cửa vào hàng lang, từ hành lang vào phòng khách.

Đèn không bật nên phòng tối như hũ nút. Trong bóng tối, tôi thở hổn hển, chân rón rén. Chết tiệt, lén lút thế này thì khác nào phường trộm cắp. Bật đèn. Đúng rồi, phải bật đèn. Tại bóng tối khiến tôi khả nghi. A, nhưng công tắc ở đâu mới được cơ chứ!?

Tay đang lần mò trên tường để tìm công tắc thì… bất chợt có tiếng cạch cửa. Tôi còn chưa kịp chuẩn bị cho kịch bản Ryougi về nhà thì chủ nhân của căn hộ này đã bật đèn sáng trưng. Cửa mở toang, chị ta nhìn kẻ đột nhập bất hợp pháp bằng ánh mắt dửng dưng.

“… Ủa, hôm nay cậu cũng tới à? Đang làm gì thế? Sao không bật điện lên?”

Buông vài câu hỏi lạnh lùng như thể đang cằn nhằn một cậu bạn đồng niên xong, Ryougi đóng cửa lại rồi cởi cái jacket da. Chị ta cứ thế ngồi luôn lên giường, thò một tay vào lục chiếc túi ni lông đem về từ cửa hàng tiện lợi đang cầm ở tay còn lại.

“Ăn không? Tôi ghét đồ lạnh.”

Bịch, chị ta quẳng cho tôi một hộp kem. Trên nhãn của nó ghi “Häagen-Dazs vị dâu”. Việc chị ta không bận tâm đến kẻ đột nhập đã bí ẩn rồi, việc mua cho tôi một món đồ mà chính chị ta còn ghét cũng bí ẩn không kém. Tôi vừa cầm cốc kem bằng cả hai tay, vừa vận hết một trăm phần trăm công suất của bộ não.

Người phụ nữ này không coi tôi ra gì. Dù ý thức được rằng tôi đã giết người… tuy không rõ nghiêm túc đến mức nào…  nhưng chị ta vẫn dùng nơi mình ở để chứa chấp. Lẽ nào chị ta thực ra cũng là một kẻ bị cảnh sát truy lùng?

“… Ê, chị… là một kẻ không nên dây vào phải không?”

Nghe câu hỏi chó chê mèo lắm lông ấy, thiếu nữ mặc kimono bật ra một tràng cười ha hả.

“Cậu đúng là một đứa kì quặc. Ha…! Hẳn là ‘không nên dây vào’! Chọn từ hay lắm, tôi bị ấn tượng rồi đấy, nói thật!”

Ryougi đang cười hết nấc. Cứ trông mái tóc đen bị xoẹt thô bạo đang rối tung kia, không phải một kẻ có số má mới lạ.

“Ha ha, a ha ha ha ha, ha… Ừ, kể cũng không sai. Trên đời này chẳng có kẻ thứ hai nguy hiểm như tôi đâu. Nhưng cậu cũng là một đứa nguy hiểm mà? Tôi nguy hiểm hay không thì cũng đâu vấn đề gì. Thắc mắc của cậu chỉ thế thôi à?”

Thiếu nữ mặc kimono tủm tỉm cười, ngước lên nhìn tôi… Trên khuôn mặt mang những đường nét dịu dàng pha lẫn đáng sợ ấy là biểu cảm của một đứa trẻ mới có được cho mình một món đồ chơi mới.

“Không… Còn một câu nữa. Sao chị lại giúp tôi?”

“Chính miệng cậu nhờ tôi giúp, quên à? Chẳng qua tôi không có việc gì khác để làm nên mới giúp. Chắc cậu không có chỗ ngủ nhỉ? Cứ ở lại đây một thời gian cũng được. Đằng nào dạo này Mikiya cũng không đến.”

… Không còn việc gì khác để làm nên mới giúp tôi?

Lý do nhảm nhí vậy mà chị ta cũng nghĩ ra được? Quả thực đầu óc tôi hơi chập cheng, nhưng chưa hỏng đến mức mù quáng tin vào lời của chị ta. Tôi nhất định sẽ tìm được bằng chứng chỉ ra chị ta đã nói dối.

Tôi nhìn chằm chằm, song thiếu nữ mặc kimono không mảy may bận tâm. Thái độ của chị ta tự nhiên, đường đường chính chính, không giống như đang khinh thường… Không thể tin nổi. Khốn nạn thay, việc Ryougi đang nói chuyện bằng cung cách vốn có là sự thật, không có điểm nào đáng để nghi ngờ.

Hay là, đối với chị ta, một lý do bình thường không cần thiết? Kiểu như vì chúng tôi là bạn bè, hay vì tiền bạc chẳng hạn? Người con gái này hoàn toàn không cần đến những động cơ dễ hiểu ấy. Nhưng dù thế đi chăng nữa…

“Đừng bảo chị nghiêm túc đấy. Chứa chấp một đứa khả nghi như tôi mà không đòi hỏi bất cứ điều gì? Chị chơi phải ma túy dởm à?”

“Ăn nói bất lịch sự nhỉ. Tôi ghét ma túy, và luôn luôn tỉnh táo. Tôi cũng không định báo cảnh sát. Nhưng nếu cậu muốn thì tôi sẽ đi báo giùm cho.”

A, tức chết mất, tôi có bị điên đâu mà suy nghĩ vớ vẩn như thế. Tôi thậm chí còn không thể hình dung nổi cảnh tượng chị ta nhấc ống nghe và quay số của cảnh sát trông sẽ như thế nào. Điều tôi quan tâm căn bản hơn rất nhiều.

“Thế này nhé. Tôi là nam, còn chị là nữ. Vấn đề nằm ở việc chị cho một thằng bất lương không quen biết ngủ lại nhà đấy. Chị thấy như thế mà ổn à!?”

“Ủa? Nếu muốn ôm ấp đàn bà thì đàn ông sẽ qua đêm ở chỗ khác chứ?”

Câu hỏi ngược cùng gương mặt ngơ ngác của chị ta khiến tôi cứng họng.

“Không, ý tôi là…”

“Thôi, lằng nhằng quá. Cậu không thích ở đây thì cứ tìm chỗ trốn khác, sao phải mất công dò đoán tâm trạng của tôi?”

Sau khi thẳng thừng ngắt lời tôi, chị ta thò tay vào túi ni lông lần nữa. Thứ được lấy ra lần này là một cái xăng-uých tam giác… Xem ra chị ta thực sự không coi tôi ra gì.

“Đã thế thì tôi sẽ ngủ lại đây. Chị bảo không phiền mà!”

Tôi tức sôi máu, quát tháo nhưng Ryougi vẫn gật đầu, mặt không hề biến sắc.

“Ờ. Nếu phiền thì tôi sẽ bảo.”

Vừa nhai cái xăng-uých một cách ngon lành, Ryougi vừa nói. Tại bộ dạng ấy mà tôi nguôi giận mất tiêu, ngồi phịch xuống sàn. Cứ thế thời gian trôi đi trong im lặng.

Trước tiên phải vực lại cuộc đời đã, tôi quyết định vậy. Có lẽ vì tìm lại được sở trường thay đổi cảm xúc xoành xoạch mà tâm trạng của tôi tốt hơn, bắt đầu suy tính chuyện sau này. Tạm thời tôi không phải lo về chỗ ngủ. Ba mươi ngàn yên cầm theo chắc sẽ đủ ăn trong một tháng. Trong khoảng thời gian đó tôi phải tìm cách mưu sinh mà không bị cảnh sát bắt.

“… Ơ?”

Một câu hỏi chợt nảy ra trong đầu. Tại sao vừa nãy lúc tôi vào, căn hộ này không khóa cửa nhỉ?

“Ê, sao chị không khóa cửa?”

“Không có chìa nên đương nhiên là không khóa.”

“… Hả?”

Câu trả lời của chị ta khiến tôi suýt nữa thì ngất xỉu. Người phụ nữ tên Ryougi này vừa bảo chị ta không có chìa khóa nhà của chính mình ạ. Chị ta còn bảo, bình thường khi đi ngủ mới khóa, còn khi đi vắng thì đóng cửa thôi, vì trộm có vào cũng chẳng có gì để lấy. Vậy nên việc tôi dễ dàng đột nhập vào được hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Đừng bảo những tên trộm thường lui tới đều đã quá quen với sự trống trơn của căn hộ này đấy nhé?

“Ngáo đến thế thì chịu! Ít nhất cũng phải có chìa khóa chứ! Nếu mất rồi thì đi mượn chìa dự phòng từ chỗ chủ nhà ấy! Bình thường ai chẳng làm vậy!”

“Chìa dự phòng cũng không có nốt. Đâu phải chuyện gì to tát, mà cũng chẳng ảnh hưởng đến cậu. Rốt cuộc cũng chỉ trở thành của nợ như cái của cậu.”

… Chết tiệt, nói câu nào cãi câu đấy. Đây là vấn đề nghiêm túc, không có chìa khóa khiến tôi không tài nào yên tâm được. Ngoài sự an toàn của bản thân tôi, chẳng lẽ điều đó không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hằng ngày của Ryougi ư? Tôi quên biến thái độ chống đối không từ ngữ nào diễn tả hết đang ấp ủ trong lòng nãy giờ, và thực tâm lo lắng cho “tấm chiếu mới” này.

“Vớ va vớ vẩn. Nhà mà không có khóa thì không phải nhà. Để đấy, đến nước này thì tôi sẽ thay hẳn một bộ ổ khóa mới luôn.”

“… Tốt thôi, nhưng cậu có tiền không?”

“Đừng có nhây, ít nhất bà cũng phải trả tiền chứ. Trong tối nay là thằng này thay xong thôi, từ mai nhớ khóa cửa cẩn thận vào!”

Dứt lời, tôi đứng phắt dậy. Nói không phải khoe, tôi đã từng làm nhân viên chuyển nhà, được người ta nhồi qua loa kiến thức về cải tạo phòng ốc, nên cỡ một căn hộ tập thể như thế này thì gần như hỏng hóc kiểu gì tôi cũng sửa được hết. Chẳng qua là nắm đấm cửa, chắc hẳn nhà kho của công ty nơi tôi làm việc cho đến hai ngày trước vẫn còn tồn mấy cái.

Bằng thứ khí thế mà chính bản thân cũng không rõ lấy từ đâu, tôi lao ra đường đêm. Phận là kẻ có thể bị cảnh sát truy nã bất cứ lúc nào nhưng tôi lại vắt óc nghĩ cách để lẻn vào công ty. Điều ấy khiến tôi nhận ra mình đang đâm đầu vào một cuộc phiêu lưu vô cùng mạo hiểm. Tất cả vì một người phụ nữ mà tôi thậm chí còn chưa biết chắc họ tên.

… Dường như cái gọi là lẽ thường trong tôi cũng đã phai nhạt kha khá rồi. Trời ạ, thế này thì còn tư cách đâu mà dạy đời Ryougi nữa?


Theo dõi & Thanh chuyển trang

Bỏ theo dõilatest?cb=20190220103837&format=originalbộ truyện này
► Xem lại /1 (Xoắn Ốc Mâu Thuẫn, 1)♬   Kara no Kyoukai   ♬► Xem tiếp /3 (Xoắn Ốc Mâu Thuẫn, 3)