Sonako Light Novel Wiki
Advertisement

/6 (Mẫu Thuẫn Xoắn Ốc, 2)[]

Trưa mùng tám tháng mười một, tức hôm sau.

Tiết trời vẫn nhiều mây không khác gì hôm qua nên văn phòng không đèn điện tối nhờ nhợ như nhà hoang. Mỗi mình tôi và chị Touko thì nơi này quá rộng, số lượng bàn làm việc được kê đủ cho mười người, có cả ghế sô pha để tiếp khách. Trái ngược là vẻ thô kệch của sàn nhà chỉ được lót xi măng rồi bỏ đấy cùng những bức tường thậm chí còn không dán giấy. Nếu tuyển được đủ nhân sự thì chắc chắn vẫn đủ sức làm một văn phòng tàm tạm, vậy mà nơi này hiện chỉ có vỏn vẹn ba mống, nếu tính cả tôi.

Không thấy bóng dáng của Touko ở bàn dành cho quản lý cạnh cửa sổ. Chắc thứ thuốc hôm qua đã có tác dụng, sáng ra khỏi ốm cái là chị đi đâu mất tiêu.

Trong văn phòng vắng mặt quản lý, tôi đang làm công việc nôm na là tìm hiểu về giá cả vật tư để dựng hội trường cho đợt triển lãm mĩ thuật sẽ bắt đầu từ tháng sau. Mục đích là để có thể mua được vật tư giá rẻ phù hợp với các công đoạn ghi trong bản thiết kế của Touko mà tôi đang cầm trên tay. Chị thuộc kiểu người “được thì tốt, không được thì thôi” nên không chịu bỏ ra tí ti nỗ lực nào vào những việc phiền toái như thế này. Kết quả là nhân viên, tức tôi đây, chẳng có lựa chọn nào.

Tôi dán mắt vào bản danh sách, gọi điện thương lượng hết cửa hàng này lại tới cửa hàng khác. Tuy nhiên, tình cảnh của tôi lúc này không biết nên gọi là bận bịu hay viên mãn nữa, khi mà ngoài tôi ra còn có hai nhân vật nữa.

Một người là thiếu nữ mặc kimono đang ngồi nhàn nhã ở ghế sô pha dùng để tiếp khách. Khỏi phải giới thiệu cũng biết là Ryougi Shiki, chẳng việc gì cũng ngồi vô cùng ngay ngắn.

Người còn lại là nữ sinh mặc đồng phục màu đen, đang lúi húi ở cái bàn xa tôi nhất. Con bé để tóc dài tới ngang lưng trái ngược với Shiki ấy tên là Kokutou Azaka.

Chúng tôi cùng họ nên đương nhiên có quan hệ ruột thịt. Ayaka là em gái tôi, đang học năm nhất cao trung. Thể chất của con bé yếu ớt, không chịu được không khí thành thị nên được gửi nhờ ở nhà họ hàng từ năm mười tuổi, từ đó chúng tôi hiếm khi gặp nhau. Tôi nhớ không nhầm thì lần cuối là vào tháng giêng, sau khi tôi lên cao trung. Khi ấy Ayaka vẫn còn là một cô bé với những nét ngây thơ đúng độ tuổi. Nhưng trong lần tái ngộ hè năm nay, đứa em gái vài năm không nhìn tận mắt đã khiến tôi hơi bất ngờ bởi cái vẻ tiểu thư mà con bé toát ra, tới mức tôi phải tự hỏi hình như không phải gen di truyền nhà mình.

Xem ra chỉ cần thay đổi môi trường, rời khỏi căn nhà nơi mình chào đời là con người ta ắt sẽ lớn lên xinh trai đẹp gái. Phong thái cũng chững chạc, hoàn toàn không còn vẻ yếu đuối trước đây. Cũng có thể vì tôi không gặp con bé suốt khoảng thời gian dậy thì từ năm mười tuổi đến năm mười lăm tuổi. Nhưng kể cả thế đi chăng nữa, suốt mấy hôm liền đầu tôi không tài nào dung nạp nổi sự thật con bé chính là đứa em gái Azaka.

Tôi lén nhìn Azaka ngồi ở cái bàn đằng xa. Hăng say và lặng lẽ, con bé đang sao chép cả đống sách, quyển nào quyển nấy đều dày hơn từ điển quốc ngữ… Đó là công việc do Touko bỏ lại khi chị ta rời khỏi văn phòng.

Cuộc trò chuyện nặng nề với Touko hôm qua khiến mây mù giăng kín tâm trí tôi, song mối bận tâm lớn nhất ngay lúc này có lẽ là đây.


“Anh này, em sẽ làm đệ tử của chị Touko.”


Không hiểu nghĩ gì trong đầu mà một tháng trước Azaka thông báo với tôi như vậy. Đương nhiên tôi có phản đối, nhưng đứa em gái bướng bỉnh đã bỏ ngoài tai… Trời ạ! Tại sao từ một gia đình hết sức bình thường như gia đình tôi lại tòi ra một đứa ma thuật sư điên điên khùng khùng cơ chứ?

“Azaka.”

Việc gọi điện tìm hiểu giá cả đã hòm hòm nên tôi bắt chuyện với cô em gái đang ngồi đối diện. Chép lại xong đoạn văn bản còn dở, Azaka khẽ hất mái tóc rồi ngẩng mặt lên. Đôi ngươi thanh tao ánh lên vẻ hiếu thắng nhưng cũng điềm tĩnh, nhìn về phía tôi với thái độ nhã nhặn, khiến tôi băn khoăn không hiểu có ý gì.

“Anh biết hôm nay là ngày kỉ niệm thành lập trường nên em được nghỉ, nhưng sao lại tới cái nơi này?”

“Anh thì sao? Thỉnh thoảng cũng phải trình diện ở nhà đi chứ. Chuyện là kí túc xá gặp hỏa hoạn nên hiện đang bị phong tỏa. Phía học viện yêu cầu các học sinh có nhà ở gần tạm thời rời khỏi kí túc xá ngay lập tức. Mẹ cũng biết chuyện rồi.”

Con bé đáp trả, giọng nói lẫn ánh mắt đều rất điềm tĩnh, gợi tôi nhớ về bạn lớp trưởng hồi cao trung.

“Hỏa hoạn á…? Có cháy hết toàn bộ kí túc xá không?”

“Dãy phía Đông thôi ạ. Nửa số phòng trọ của học sinh năm nhất và năm hai bị đốt. Nhưng chắc phía học viện bưng bít hết rồi nên vụ này không xuất hiện trên bản tin.”

Azaka kể về một sự việc vô cùng nghiêm trọng bằng giọng đều đều.

Chưa bàn đến thực hư ra sao, việc kí túc xá học sinh của học viện danh giá dành cho các tiểu thư Reien bị cháy ắt sẽ trở thành một vụ xì căng đan. Chắc hẳn chính nhờ khuôn viên đầy tự hào, rộng ngang ngửa khuôn viên của một trường đại học nên họ mới có thể xử lý vụ hỏa hoạn trong bí mật.

Nhưng kí túc xá học sinh bị cháy đâu phải chuyện đùa. Dựa trên giọng điệu của Azaka… có thể dễ dàng đoán ra thủ phạm là học sinh.

“Anh lại nghĩ vẩn nghĩ vơ đấy à?”

Cứ như thể đã đi guốc trong bụng ông anh, Azaka lườm tôi.

… Sau một vụ việc xảy ra hồi hè, cô em gái luôn cau có mỗi khi Kokutou Mikiya nhúng mũi vào những việc nguy hiểm. Kết quả là chiến tranh lạnh nổ ra, kéo dài mất một lúc lâu nên tôi quyết định chuyển chủ đề.

“Quan trọng hơn, em ấy, em đang làm gì thế?”

“Không liên quan đến anh.”

Chắc đã đoán ra tôi định nói gì, Azaka trả lời cụt lủn.

“Có liên quan đấy. Anh biết giải thích thế nào với cha về việc đứa em gái máu mủ muốn trở thành phù thủy?”

“Ô hô, anh chịu vác mặt về nhà rồi à?”

… Hự, con bé này. Nó thừa biết tôi đã đấu khẩu với cha mẹ rồi bị từ mặt mà…

“Với lại, anh à, người sử dụng ma pháp[1] và ma thuật sư khác nhau. Anh làm việc cho chị Touko mà không biết ư?”

À, thỉnh thoảng chị Touko vẫn nhắc lại. Để thuận tiện thì tự xưng là phù thủy dễ truyền tải hình ảnh mà chị muốn thể hiện hơn ma thuật sư, nhưng thực chất hai tên gọi này là hai khái niệm khác nhau, đại khái vậy.

“Không hẳn, nghe thì có nghe rồi, nhưng đâu khác nhiều lắm, đúng không? Đằng nào cũng sử dụng mấy thứ ma pháp mờ ám cả.”

“Ma pháp và ma thuật cũng khác nhau đấy ạ.

“Ma thuật quả đúng là những hiện tượng xa rời lẽ thường, nhưng chẳng qua cũng chỉ biến những điều có thể thực hiện được theo lẽ thường thành những điều có thể thực hiện bằng cách phi thường. Để em lấy ví dụ… à đây.”

Azaka tiến tới bàn làm việc của Touko rồi lôi ra một con dao rọc giấy cao cấp làm bằng bạc, vô cùng tinh xảo mà chị ưa dùng. Azaka tìm lấy một tờ giấy bỏ đi rồi dùng con dao viết gì đó lên nó. Ngay lập tức, tờ giấy bắt đầu bốc khói nghi ngút, rồi chầm chậm cháy thành tro.

“…”

Tôi chỉ im lặng quan sát từ đầu đến cuối. Trước đây Touko đã thực hiện việc tương tự (tuy quy mô lần ấy lớn hơn nhiều), nhưng chứng kiến em gái ruột cũng có thể làm được khiến tôi không biết nên nói gì… Không, nói thật thì tôi đã tự mường tượng ra từ trước rồi, rằng trở thành đệ tử của chị Touko chính là thế này đây.

“… Cho anh xin. Lẽ nào không có bất cứ mánh khóe gì hết à?”

“Đương nhiên là có ạ. Người không biết thì thấy thế, chứ thực ra cũng vặt vãnh thôi, nên không đáng bàn. Thời nay, kĩ năng như thế này thậm chí không cần tu luyện cũng làm được. Nếu muốn đốt thứ gì đó thì một cái bật lửa trăm yên là quá đủ. Bất luận dùng bật lửa hay dùng đầu ngón tay, đều là ‘đốt’ cả. Việc này hoàn toàn không Thần bí, đúng không nào? May cho anh, ma thuật là vậy đấy.”

Azaka tiếp tục nói một cách thản nhiên. Ma thuật, theo lời của con bé, chẳng khác nào một thứ đại diện cho sự văn minh. À, có lẽ nên nói là “bị văn minh bắt kịp” thì đúng hơn?

“Ví dụ như việc làm mưa, ma thuật lẫn khoa học đều như nhau. Phương pháp tuy khác nhau nhưng khó khăn gặp phải đều giống nhau. Trông thì có vẻ ma thuật thực hiện được việc đó trong chớp mắt, nhưng hàng tá khâu chuẩn bị trước đó vất vả lắm ạ. Quy đổi sang thời gian và tiền bạc thì việc tạo mây mưa theo phương pháp khoa học cũng y chang.

“Không thể phủ nhận rằng ở thời xa xưa thì việc này là một dạng kì tích, nhưng ở thời hiện đại thì chẳng phải kì tích gì hết. Trước kia từng có ma thuật sư đốt nguyên một thị trấn ra tro nên được tôn lên làm người sử dụng ma pháp, nhưng bây giờ chỉ cần có tiền thì ai cũng làm được. Phóng một quả tên lửa là xong.”

“Thậm chí làm vậy còn nhanh gọn lẹ hơn nhiều ấy,” Azaka chêm thêm một câu hãi hùng.

“Ma thuật chỉ có thể thực hiện những việc mà con người ngày nay cũng có thể làm được tuy tiêu tốn quá nhiều thời gian nếu dựa vào mỗi mình sức lực cá nhân, không hơn. Coi như một loại học vấn cũng không sai ạ. Nếu phải ngồi thiền hàng chục năm để ngẫm ra chân lý thì lên mặt trăng mà ngồi thiền có lẽ còn nhanh hơn… Anh cũng hiểu mà, kì tích chính là những việc tự tay con người không thể làm được. Là những việc mà dù dốc hết tiền bạc và sức lực của toàn bộ nhân loại sinh sống trên bề mặt địa cầu ngày nay cũng không làm nổi. Nói cách khác là ma pháp. Người làm được những việc ấy gọi là người sử dụng ma pháp.”

Những việc mà con người chưa thể làm được, Azaka gọi là ma pháp.

“Nếu thế thì xưa kia phù thủy nhiều hơn ma thuật sư à? Xưa kia làm gì có bật lửa hay tên lửa đâu.”

“Đúng rồi ạ. Thế nên trong quá khứ, người sử dụng ma pháp được kính sợ và cũng là một chức nghiệp đàng hoàng. Nhưng giờ thì không như vậy nữa, anh biết mà. Nói thẳng ra là xã hội không cần đến dăm ba thứ ma thuật nữa. Ở thời hiện đại, ma pháp cũng hiếm đi, bởi những việc con người không thể làm được chỉ còn trong sách vở. Nghe đâu hiện còn vỏn vẹn chừng năm người sử dụng ma pháp thôi.”

… Ra thế. Theo cách định nghĩa của Azaka, quả thật phù thủy và ma thuật sư khác nhau. Nếu lấy ví dụ cho những việc nhân loại ngày nay chưa thể làm được thì phải cỡ thao túng thời gian và không gian. Ở thời đại này, việc nhìn trước tương lai hay nhìn lại quá khứ mặc dù chưa hoàn thiện nhưng cũng dần dần khả thi, nên những việc bất khả thi chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Một lúc nào đó… có lẽ ma pháp cũng sẽ bị con người vứt bỏ hoàn toàn. Giống như một chàng thanh niên trở thành nhà khoa học vì bị cuốn hút bởi vô vàn sự việc mà khi thơ bé cậu thấy chúng kì diệu, nhưng trải qua quá trình tích lũy kiến thức và nghiên cứu, những điều kì diệu ấy bị giáng bậc xuống, chỉ còn là những hiện tượng bình thường.

“Hì. Cứ thế, ma pháp cuối cùng chỉ đơn giản là làm sao để tất cả mọi người đều hạnh phúc nhỉ.”

Ừ. Tuy đồng ý, nhưng tôi không hiểu lắm.

“…”

Azaka tự dưng im bặt. Con bé nhìn tôi bằng vẻ mặt như khi nhìn thấy một thứ không ngờ đến nhưng chỉ trong chốc lát, rồi ngay lập tức quay ngoắt đi.

“… Bởi ma pháp là thứ không thể có được. Với lại, em đâu muốn trở thành người sử dụng ma pháp. Bất đắc dĩ vì mục đích riêng nên mới học làm ma thuật sư thôi.”

“Vậy sao? Tức là không thể học được ma pháp, nhưng ma thuật thì có thể học được? Giống như việc Azaka vừa làm ấy nhỉ.”

Trước câu kết luận mà tôi đúc rút được, Azaka lắc đầu.

“Không có chuyện đó đâu ạ, nãy giờ có chữ nào lọt được vào tai anh không đấy?

“Ma thuật dù gì cũng từng là ma pháp. Chẳng qua bị nền văn minh của nhân loại dễ dàng bắt kịp nên việc lĩnh hội và sử dụng chúng trở nên khả thi ở chừng mực nào đó, nếu nỗ lực.

“… Kể ra em cũng thấy mình thiệt thòi vì không xuất thân từ một dòng họ có thâm niên nghiên cứu ma thuật, sở hữu bề dày lịch sử và huyết thống. Người trong giới ma thuật sư toàn xuất thân từ những dòng họ như thế. Khi mới bắt đầu thì họ cũng chỉ là những học giả bình thường, sau đó truyền lại những Thần bí đã lĩnh hội được, sức mạnh đã tích lũy được cho thế hệ sau. Con cháu của họ tiếp tục tích lũy thêm nhiều tri thức nữa, rồi lại tiếp tục truyền lại cho thế hệ tiếp theo nữa. Nghe nói chị Touko là đời thứ sáu, nhưng người thừa kế đời thứ ba là một thiên tài cực kì xuất chúng, đã ‘đào trúng’ thứ gì đó hay sao ấy. Thế nên em cho rằng tài năng của chị Touko bắt nguồn từ sự gần gũi máu mủ. Còn như em, cái đứa bây giờ mới bắt đầu học ma thuật, đâu dễ gì mà trở thành ma thuật sư được.”

“Khì. Nghe chừng cũng khó khăn đủ đường ấy nhỉ.”

Phải. Không rõ hiểu sao tôi cảm thấy chút đồng cảm với con bé. Sự gần gũi máu mủ… tức sức mạnh của huyết thống. Quả thực gia đình nào cũng vậy. Với chúng ta, đó có thể là nhiều họ hàng, người thân, cũng có thể là tài sản được thừa kế. Nhưng tóm lại…

“Ê, vậy thì em đang làm gì? Nhà mình là một gia đình bình thường đấy nhé. Chưa nói đến ma thuật, ngay Phật giáo còn chẳng ai theo. Em không học ma thuật không được à?”

“Không sai, nhưng em là đứa có tài ạ. Chị Touko khen khả năng phóng hỏa của em là biệt tài hiếm thấy.”

Giọng điệu của Azaka có vẻ hờn dỗi… Hết nói nổi, nhóm được lửa thì hay ho gì cơ chứ? Mà có lẽ nào… con bé này chính là nguyên nhân của vụ cháy ở kí túc xá học sinh?

“Em vừa nói tài năng mà chỉ duy trì trong một thế hệ không ăn thua đúng không? Vậy thì em có làm gì cũng phí công. Có trở thành phù thủy… à nhầm, ma thuật sư, cũng chẳng ích gì. Nếu không quay lại làm người bình thường thì không kiếm được công ăn việc làm đâu.”

Chưa kể hôm qua tôi đọc được rằng bây giờ tìm việc đang khó khăn lắm.

Ngay lập tức, Azaka cố gắng phản bác. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, một giọng nói chứa đầy thái độ công kích bay vào văn phòng, song hành cùng tiếng bước chân.

“Không đúng, tỉ lệ tìm được việc cao đấy. Ở tuổi của Azaka mà đã làm được như vậy thì chỉ cần hai năm nữa thôi sẽ có khối người muốn chiêu mộ. Ngoài mặt cũng có thể làm một quản lý viện bảo tàng hạng nhất.”

Ruỳnh, tiếng cánh cửa bị mở thô bạo báo hiệu chị Touko đã về.


<>


Bằng những sải bước chẳng giống người bệnh chút nào, Touko đi tới bàn của quản lý. Chị cất áo khoác, ngồi xuống ghế, nhìn mặt bàn rồi nhíu mày. Chắc là do vị trí của con dao rọc giấy khác ban nãy.

“Azaka. Chị đã bảo cô không được tự tiện dùng đồ của người khác rồi cơ mà? Ỷ vào công cụ thì lụt nghề đấy. Chẳng qua cô muốn thể hiện trước mặt Kokutou chứ gì?"

“… Vâng, chị nói phải ạ.”

Bị Touko cật vấn, tuy gò má đỏ ửng nhưng Azaka vẫn trả lời dứt khoát… Điểm này khiến tôi phải kính nể con bé, dù rằng nó là em gái.

“Mà không ngờ hai cô cậu lại trò chuyện về đề tài ma thuật. Kokutou vốn đâu quan tâm đến ma thuật nhỉ?”

“Ừ thì em không quan tâm, nhưng mà… À, chị Touko này, chị nhớ chuyện hôm qua chứ?”

“Hử?” Touko tháo kính ra và nghiêng đầu… Chính người khơi mào cuộc đối thoại mông lung lại không nhớ gì hết.

Chị châm thuốc và rít một hơi ngắn.

“Này, Azaka, tại sao cô lại kể những chuyện ấy với Kokutou? Nguyên tắc tối quan trọng của ma thuật là che đậy, giấu diếm… Mà thôi, nếu người nghe là Kokutou thì chắc không vấn đề gì.”

“Người nghe là em thì tốt ở điểm nào?”

“Bởi vì có kể cậu cũng không hiểu. Cũng không có chuyện bí mật bị rò rỉ. Cậu chọn nội dung trò chuyện tùy vào người đối thoại, nên chẳng bao giờ kể lại với người bình thường những chuyện như thế này.”

“Cũng đúng… Quả nhiên để người khác biết mình là ma thuật sư thì rắc rối to.”

“Rắc rối mà. Về mặt xã hội thì sao cũng được, nhưng ma thuật sẽ điên đảo mất. Kokutou, cậu biết nguồn gốc của từ ‘mystères’ chứ?”

“ ‘Mystères’? Ý chị là ‘mystery’ ạ?”

“Ừ. Không phải tiểu thuyết Thần bí đâu. ‘Mystères’ nghĩa là Thần bí ấy.”

“Ha, bởi tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp.”

“… Thôi được rồi, cũng không sai. Ý nghĩa của nó trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là ‘đóng lại’, ám chỉ sự phong bế, che giấu, tự mình giải quyết. Thần bí mà chị đang nói đến là những thứ có tính thần bí. Cốt lõi của ma thuật là sự che giấu. Thứ ma thuật bị phơi bày chân tướng, dù dùng đến kĩ thuật siêu nhiên nào đi chăng nữa cũng không thể trở thành Thần bí, mà sẽ hạ cấp thành thủ thuật. Khi thành ra như thế, ma thuật ắt sẽ yếu đi.

“Ban đầu ma thuật vốn là ma pháp. So với những sức mạnh cố hữu lấy từ cội nguồn Căn nguyên thì không khác gì. Lấy một ví dụ, tạm gọi là ‘Thần bí Lơ lửng’ nhé. Thứ ‘Thần bí Lơ lửng’ này chứa mười phần sức mạnh. Nếu chỉ có một người biết về nó thì người ấy có thể sử dụng toàn bộ mười phần sức mạnh. Nếu có người thứ hai biết thì nó sẽ bị chia đều năm năm, mỗi người chỉ có thể sử dụng một nửa. Cậu thấy đấy, sức mạnh đã yếu đi. Cách diễn đạt có thể khác, nhưng chị nghĩ đây là quy luật cơ bản của vạn vật trên thế gian này.”

Cách diễn giải tổng quát của chị Touko vẫn rối rắm như mọi khi, nhưng tôi nắm được đôi phần ý chị muốn nói. Nếu che giấu, phong bế là cốt lõi của ‘ma thuật’, thì việc đám người được gọi là ‘ma thuật sư’ không phô diễn ma thuật trước mặt mọi người khá dễ hiểu.

“Bảo sao chị Touko chọn một chỗ khuất mắt người đời. Để có thể dùng ma thuật tùy thích nhỉ?”

“Không, hoàn toàn không phải.”

Vừa dụi điếu thuốc vào gạt tàn, chị vừa nói.

“Lỡ mà phải đấu với các đồng nghiệp ma thuật sư khác thì đành chịu, nhưng trừ trường hợp ấy ra, ngay cả khi ở một mình chị cũng không dùng đến. Chị chỉ chọn dùng đến thủ pháp ma thuật những khi thực hiện nghi thức, nghi lễ nhằm tiến lên nấc thang tiếp theo thôi. Có một tổ chức gọi là ‘Hiệp Hội’ đã được thành lập hình như từ thời Trung Cổ thì phải. Cách quản lý của đám này cũng bệnh hoạn lắm. Hiệp Hội sớm đã lường trước sự tha hóa của các ma thuật sư. Nắm trong tay sức mạnh ở quy mô tổ chức, đám người này làm mọi cách để ma thuật không bao giờ bị tiết lộ. Họ ‘nâng tầm’ những Thần bí quan sát được bằng mắt thường thành những Thần bí không ai hay. Kết quả là khái niệm Thần bí dần trở nên mờ nhạt trong mắt xã hội.

“Để thực hiện một cách triệt để, Hiệp Hội đã đặt ra đủ loại giới luật.

“Ví dụ, nếu một ma thuật sư lôi kéo người thường vào một hiện tượng ma thuật thì ngay lập tức Hiệp Hội sẽ cử thích khách đến trừng phạt ma thuật sư đó. Họ muốn tận diệt các nhân tố có thể phương hại đến cả quần thể ‘ma thuật sư’… Ừm, có lẽ đây chính là nguồn gốc của giai thoại phù thủy mất sức mạnh vì bị người thường nhìn thấy chân tướng.

“Nhờ những động thái củng cố tính bí mật của Hiệp Hội mà sự lụi tàn của ma thuật đã được ngăn chặn, kết quả là các ma thuật sư thuộc Hiệp Hội không còn sử dụng ma thuật bừa bãi nữa.

“Cũng nhiều ma thuật sư quy ẩn vì ghét luật lệ của Hiệp Hội, nhưng lượng văn thư và đất đai mà Hiệp Hội sở hữu vô cùng lớn. Mọi thứ cần thiết để duy trì cuộc sống đúng nghĩa của một ma thuật sư đa phần đều bị Hiệp Hội kiểm soát. Không gia nhập Hiệp Hội đồng nghĩa với bị cô lập. Muốn thực nghiệm thì các vùng đất thiêng với địa mạch uốn lượn đều thuộc sở hữu của Hiệp Hội, muốn tìm tòi ma thuật thì tài liệu sách vở đều bị họ kiểm soát,  tu tập thế nào cho được? Bởi vậy, các ma thuật sư không thuộc Hiệp Hội có muốn cũng không thể thực hành ma thuật được. Sức mạnh của một tổ chức là thế đấy. Riêng khoản này thì chị phải nể.”

“Chị Touko này, vậy em cũng phải gia nhập Hiệp Hội ạ…?”

Trong giọng nói lí nhí của Azaka phảng phất lo âu.

“Không gia nhập cũng được, nhưng có gia nhập vẫn lợi hơn. Đâu phải cứ vào rồi là không ra được đâu. Em có quyền tự do rút khỏi Hiệp Hội mà. Họ cũng tự nhận mình không phải những người cầm quyền biết phải trái đúng sai.”

“Thế thì cố sống cố chết giữ gìn tính bí mật để làm gì ạ? Người ta học xong sẽ ra ngoài truyền bá ma thuật mất.”

Ý kiến của Azaka không phải không có lý. Chị Touko nghe xong liền gật gù.

“Cũng đúng. Thực ra, không thiếu những kẻ toan du học ở Hiệp Hội xong, có được sức mạnh cái sẽ quy ẩn ngay, nhưng chỉ cần trải qua chục năm là thay đổi quan điểm. Bởi muốn học ma thuật thì Hiệp Hội là môi trường tốt nhất. Quen với môi trường tốt nhất cho một ma thuật sư rồi thì làm sao có cái suy nghĩ dại dột ‘lui về ở ẩn’ được nữa. Điều mà ma thuật sư ưu tiên nhất là việc học ma thuật, nào quan tâm đến việc sử dụng sức mạnh và tri thức mình đã tiếp thu được. Nếu có thời gian nghĩ về việc ấy, hẳn bọn chị sẽ dùng để cố gắng tìm tòi Thần bí cấp cao hơn. Nhưng vốn dĩ mục đích của Azaka không giống bọn chị mà, nên dù có gia nhập Hiệp Hội cũng không lo phải đối mặt với sự độc hại ở đấy. Nếu Azaka nhắm tới cấp độ cao hơn thì nên đi thử một chuyến xem sao.”

Azaka nhíu mày, trông khá bối rối. Dường như con bé hoàn toàn không có ý định. Tôi không chấp nhận việc em gái mình du học ở một nơi kì quặc đến như vậy nên thầm cảm ơn thái độ ngần ngại của con bé.

“… Tôi có thắc mắc. Ý chị nghĩa là bí mật được giữ kín ngay cả trong cái Hiệp Hội ấy?”

Đúng lúc đó, một giọng nói đột ngột phát ra từ ghế sô pha, nơi Shiki đang ngồi lặng thinh. Cô nàng có cái tính đã không hứng thú thì tuyệt nhiên không tham gia trò chuyện, nãy giờ chẳng làm gì ngoài ngắm cảnh bên ngoài qua cửa sổ, vậy mà…

“Đúng thế. Ma thuật sư không tiết lộ thành quả nghiên cứu của mình với bất cứ ai, ngay cả giữa những người trong Hiệp Hội với nhau. Ma thuật sư chỉ chia sẻ thành quả của mình với con cháu trước khi nhắm mắt xuôi tay thôi.”

“Tìm tòi chỉ vì bản thân nhưng lại không tự lực cánh sinh. Tồn tại như thế có ý nghĩa gì, hả Touko? Nếu mục đích là việc học, thì chẳng phải quá trình cũng là việc học còn gì? Chỉ có đầu và cuối thì khác nào con số không?”

… Vẫn như mọi khi, bằng chất giọng mỏng và trong trẻo đầy nữ tính, Shiki nói năng như đàn ông.

Trước những câu hỏi dồn sắc bén của Shiki, trông Touko như đang khẽ nhếch môi cười gượng.

“Có mục đích chứ. Tuy nhiên, cô nói cũng có phần đúng. Bởi ma thuật sư luôn tìm kiếm con số không. Ngay từ đầu đã nhắm đến một thứ không tồn tại. Thế này nhé, mục đích cuối cùng của các ma thuật sư là đạt đến ‘vòng xoáy của Căn nguyên’. Nó cũng thường được gọi là Tàng thư Akashic, tuy nhiên Tàng thư Akashic chỉ là một phần chức năng mà thôi.

“Vòng xoáy của Căn nguyên… có lẽ là nguyên nhân của tất cả. Mọi hiện tượng đều chảy ra từ đấy. Biết nguyên nhân, tự khắc suy được kết quả. Gọi là ‘tri thức tối thượng’ chắc cũng không ngoa nhỉ? Ha, nếu gắn dăm ba tiêu chuẩn ‘tối thượng’ thì rốt cuộc vẫn coi nó như một thứ hữu hạn nên cách gọi này cũng không đúng, nhưng nghe dễ hiểu nhất nên cứ gọi như vậy đi.

“Ban đầu, toàn bộ hệ thống ma thuật trên khắp thế giới chẳng qua chỉ là một dòng sông nhỏ chảy ra từ vòng xoáy này. Truyền thuyết và thần thoại của các nước vì vậy mà na ná nhau. Cùng một nguyên nhân ban đầu nên việc biến tấu tiểu tiết tùy thuộc vào dân tộc của những người nắm bắt được ý nghĩa của dòng sông. Đó là những người nghiên cứu chiêm tinh thuật, giả kim thuật, kabbalah[2], Đạo giáo thần tiên[3], rune… kể ra thì nhiều không đếm xuể. Nguồn gốc giống nhau nên rốt cuộc mục đích cuối cùng mà họ nhắm đến đều như nhau. Vì họ, những người đã chạm vào dòng chảy ở hạ lưu tách ra từ vòng xoáy Căn nguyên ‘ma thuật’ đã hình dung ra có thứ gì ở thượng nguồn.

“Mục đích cuối cùng của ma thuật sư, không gì khác, chính là chạm đến chân lý. Ý nghĩa của việc mình được sinh ra là con người ư? Ma thuật sư thậm chí chẳng cần đáp án cho dăm ba câu hỏi trần tục ấy. Ma thuật sư chỉ có một khao khát duy nhất; muốn biết cái thứ gọi là chân lý có hình thù ra sao? Họ chính là tập hợp của những kẻ như thế. Những kẻ tự biến mình trở nên trong suốt, chỉ giữ lại bản ngã… Một quần thể vĩnh viễn không được đền đáp. Thế gian gọi họ là ‘ma thuật sư’.”

Tuy giọng kể thản nhiên, nhưng đôi mắt của Touko ánh lên vẻ sắc bén chưa từng thấy từ trước đến giờ. Con ngươi màu hổ phách bập bùng như được thắp lửa.

… Đáng tiếc thay, tôi chẳng hiểu nổi một nửa những gì chị nói. Tôi chỉ hiểu đúng một điều, nên quyết định cứ phải hỏi cái đã.

“Ưm, em cắt lời chút nhé? Nếu có mục đích thì ngay cả việc học hỏi cũng có ý nghĩa mà. Chị bảo ‘không được đền đáp’ thì… À, ra vậy, bởi vì chưa ai đạt đến được đúng không ạ?”

“Có rồi. Có người đạt đến rồi thì mới biết chân tướng nơi đó ra sao chứ. Ma pháp còn sót ở thời hiện đại cũng là do họ để lại mà.

“Tuy nhiên… chưa ai trở về sau khi sang bờ bên ấy. Những ma thuật sư lưu danh trong lịch sử đều biến mất ngay khi họ đạt đến… Duy nhất một đứa tầm thường là ngoại lệ, nhưng nó chỉ là ma thuật sư nửa vời nên cứ xem như không có đi[4].

“Phía bên ấy là một thế giới tuyệt vời đến thế ư, hay là trở về từ nó rồi thì vĩnh viễn không thể quay lại nữa? Không biết. Phải đi thử mới biết được. Nhưng chỉ nghiên cứu trong thời gian một đời người thì không thể đến nơi ấy được. Các ma thuật sư bồi đắp huyết thống, truyền lại thành quả nghiên cứu cho con cháu nhằm mục đích khuếch đại ma lực của bản thân. Hành vi đó chỉ nhằm gây dựng nên các thế hệ con cháu ưu việt hơn, một ngày nào đó sẽ có đủ khả năng đạt đến được vòng xoáy của Căn nguyên. Các ma thuật sư hằng bao đời nay vẫn mơ về vòng xoáy của Căn nguyên, truyền lại nghiên cứu cho con cháu lúc nhắm mắt xuôi tay, để rồi con cháu của họ lại lặp lại chu trình ấy. Không hồi kết. Vĩnh viễn không được đền đáp. Giả như có dòng tộc nào đó đủ sức đến được vòng xoáy của Căn nguyên đi chăng nữa, e rằng việc chạm tới vẫn bất khả thi. Bởi lẽ… có kẻ chặn đường.”

Trái ngược với giọng điệu căm ghét, chị buột miệng cười khùng khục. Điệu bộ ấy chẳng khác nào vui mừng vì có kẻ chặn đường.

“Mà thôi, đằng nào cũng là chuyện bất khả thi. Không ma thuật sư thời hiện đại nào có thể đạt đến vòng xoáy và tạo ra trật tự... tạo ra hệ thống ma thuật mới.”

Touko vừa nói vừa nhún vai, như thể câu chuyện dài dòng đến đây là hết.

Tôi và Azaka không thể nói gì thêm, nhưng riêng Shiki thì truy vấn điểm mâu thuẫn trong câu chuyện của Touko chẳng hề khách khí.

“Đúng là những kẻ kì quặc. Tại sao các người vẫn tiếp tục dù biết việc đó bất khả thi?”

“Ừ nhỉ. Có lẽ đa phần những kẻ tự xưng là ma thuật sư đều rối loạn bản năng từ khi mới sinh ra, hoặc đều là những tên ngốc cứng đầu không chịu bỏ cuộc.”

Touko khẽ nhún vai và đáp.

Chưa kể các người đã biết nó là cái gì rồi cơ mà, Shiki ngao ngán lẩm bẩm.


<>


Phải mất cả tiếng đồng hồ sau khi câu chuyện kết thúc, văn phòng mới trở lại với sự yên tĩnh vốn có. Sắp ba giờ chiều nên tôi đi pha cà phê cho mọi người, tranh thủ giải lao luôn. Sau khi chuyển cho Azaka tách trà Nhật của riêng con bé, tôi về chỗ ngồi của mình.

Công việc xem chừng khá triển vọng, cứ vậy thì lương lậu tháng này sẽ không gặp trục trặc gì. Với suy nghĩ ấy trong đầu, tôi yên tâm nhấm nháp cà phê.

Cả văn phòng chỉ nghe thấy tiếng mọi người thưởng thức đồ uống. Như thể cố tình phá vỡ sự tĩnh mịch bình yên ấy, Azaka quay sang nói với Shiki một câu trời ơi đất hỡi.

“Này, Shiki là đàn ông đúng không?”

… Hỏi gì mà cà khịa thế, tôi nghĩ bụng, suýt chút nữa đánh rơi tách cà phê.

“…”

Shiki giống tôi, hạ tách cà phê đang kề trên môi xuống, gương mặt trông khá khó chịu, nhưng cũng có vẻ đăm chiêu. Tạm thời vẫn chưa thấy cô nàng phản bác lại đứa em gái ngốc của tôi.

Chắc hẳn đã nhìn thấy phần thắng nghiêng về mình, Azaka bồi thêm.

“Không phủ nhận, tức là thừa nhận chứ gì? Chị đích thị là đàn ông rồi.”

“Azaka!”

Không chịu nổi giọng điệu của con bé, tôi chen ngang. Với kiểu hỏi han như vậy thì tốt nhất là nên lờ đi, nhưng riêng chuyện này không đùa được, nên tôi lỡ nổi nóng.

Tuy đứng phắt dậy rất khí thế, song tôi chẳng nghĩ được câu nào hay ho để nói nên đành im lặng ngồi lại xuống ghế… Cảm giác như tàn binh bại trận vậy.

“Đừng kiếm chuyện vớ vẩn.”

Shiki đáp trả Azaka, mặt đanh như tượng phật. Một tay cô nàng bóp trán, dường như đang cố gắng kiềm chế cơn giận dữ.

“Vớ vẩn đâu mà vớ vẩn. Hết sức quan trọng đấy.”

Nhìn bề ngoài cũng “nguội” như Shiki, Azaka đáp lại tỉnh queo. Cái điệu bộ chống hai cùi chỏ trên bàn, đan ngón tay vào nhau trông chẳng khác nào một lớp trưởng đang đưa vấn đề nghiêm túc ra họp bàn.

“Quan trọng? Tôi là nam hay nữ thì khác gì nhau? Đều chẳng can hệ đến Azaka. Hay có điều gì đó khiến cô muốn kiếm chuyện với tôi?”

“Điều đó chẳng quá rõ ngay từ lần đầu tôi gặp chị còn gì?”

Hai người họ không chịu nhìn thẳng mặt nhưng vẫn lườm nguýt đối phương… Cá nhân tôi rất muốn biết “điều đó” là gì, nhưng bầu không khí lúc này không cho phép tôi hỏi.

“… Azaka. Không hiểu tại sao đến tận bây giờ anh cứ phải nhắc đi nhắc lại câu này, nhưng anh vẫn sẽ nhắc lại thêm lần nữa, hi vọng đây sẽ là lần cuối cùng. Nghe đây, Shiki là một cô gái đúng nghĩa.”

Những tưởng câu tâm đắc của tôi sẽ cùng lúc bao che cho sự vô lễ của Azaka và xoa dịu cơn bực dọc của Shiki, ai ngờ ngược lại, vì lý do nào đó chúng còn chọc cho hai người họ giận dữ hơn.

“Chuyện đó em thừa biết. Anh im đi.”

Biết rồi sao còn hỏi?

“Em đâu hỏi giới tính cơ thể. Em muốn làm rõ xem giới tính tinh thần là nam hay nữ ấy. Nhưng, theo những gì em thấy thì Shiki giống đàn ông.”

Azaka vừa nhấn mạnh vào chữ “nhưng” vừa liếc mắt sang Shiki.

Shiki càng lúc càng bực bội hơn.

“Nếu cơ thể đã là nữ thì bên trong là giới tính gì cũng chẳng thể thay đổi được, đúng không? Tôi là đàn ông thì đã sao?”

“Thế hả? Để tôi giới thiệu bạn bè của tôi ở Reien cho chị nhé?”

Câu từ của Azaka không còn là những lời mỉa mai nữa, mà đã trở thành thư tuyên chiến. Nghe con bé nói mà cuối cùng tôi cũng vỡ ra. Phải chăng con bé vẫn chưa quên chuyện xảy ra hai năm trước?

Tháng Giêng năm nhất cao trung, tôi cùng Shiki đi chùa đầu năm, khi về tôi có mời cô nàng qua nhà chơi. Azaka từ quê lên thăm nhà nhân kì nghỉ đông đúng hôm đó đã chạm mặt Shiki và bị sốc nhẹ. Kể cũng phải, bởi Shiki hồi ấy vẫn còn một nhân cách khác là SHIKI. Cử chỉ và giọng điệu hệt như một cậu thiếu niên của SHIKI lúc ấy hoạt bát hơn Shiki bây giờ, khiến Azaka bị mê sảng nguyên một ngày trời.

Nhưng những lời vừa rồi của con bé đúng là quá đáng. Shiki có giận nó thì tôi cũng chẳng thể kêu ca.

“Azaka này…”

Tôi vừa đứng dậy lần nữa để lườm Azaka thì cùng lúc đó, Shiki cũng đứng dậy khỏi sô pha.

“Xin kiếu. Đám con gái của Reien có được đứa nào ra hồn đâu.”

Hứ, Shiki vừa hếch mũi vừa nói, rồi cứ thế rời khỏi văn phòng. Bộ kimono màu chàm khẽ phát ra tiếng động rồi biến mất. Sau đó tôi cũng đắn đo không biết nên đuổi theo không, nhưng e rằng làm thế chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

Trong lòng thầm cảm tạ trời đất vì không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, tôi ngồi xuống ghế, nhấp một ngụm cà phê đã nguội ngắt.

“Tiếc thật, rốt cuộc chị ta vẫn trốn mất.”

Azaka tặc lưỡi, rồi thả lỏng toàn thân. Dường như đến bây giờ con bé mới dỡ bỏ trạng thái sẵn sàng lâm trận để dựa lưng vào ghế và vươn vai.

… Bấy lâu nay tôi luôn thắc mắc, tại sao riêng những lúc nói chuyện với Shiki thái độ của con bé lại quay ngoắt nhỉ? Phải nói nó vài câu mới được.

“Azaka. Vừa rồi là sao?”

“Thì bởi anh và Shiki không chịu rạch ròi chứ sao nữa ạ? Hay anh chưa từng nghĩ về chuyện ấy? Nghĩ xem Ryougi Shiki qua lại với anh như một cô gái hay như một chàng trai ấy.”

Trái với giọng điệu rành rọt và dứt khoát, mặt Azaka đang đỏ ửng. Nhờ sự tương phản đó mà tôi hiểu ra em gái mình đang cố nói gì.

“Azaka, người ta gọi đấy là ‘tâm địa của kẻ biến thái[5]’ đấy. Shiki là nam hay nữ thì cũng không nên lôi ra bàn tán. Quan trọng nhất, Shiki vốn là con gái, nên cách suy nghĩ có nam tính thì cũng chẳng phải chuyện to tát.”

Azaka quăng cho tôi một cái lườm sắc lẻm.

“… Ra thế. Với anh, miễn là con gái, những vấn đề khác chỉ là chuyện vặt chứ gì? Em thấy nếu chị ta là nam thì quan hệ đồng giới của bọn anh thật kì quặc. Đã thế thì xin trả lời giùm em câu hỏi này.

“Ví dụ như bây giờ có một người phụ nữ chuyển giới thành nam và một người đàn ông chuyển giới thành nữ. Trong trường hợp cả hai đều thật lòng yêu anh thì anh sẽ chọn ai, giữa một người có giới tính[6] nam nhưng trái tim phụ nữ và một người có giới tính nữ nhưng trái tim đàn ông? Nào, anh trả lời thử xem nào.”

… Câu hỏi của Azaka… quá hóc búa.

Càng nghĩ tôi càng không biết nên chọn ai. Quả thực, nếu hỏi nhanh đáp lẹ thì tôi sẽ chọn người sinh ra đã là phụ nữ, nhưng nghĩ kĩ thì người đó đã chuyển giới thành nam nên tôi sẽ chọn người đã chuyển giới thành nữ. Có điều, vì trái tim của người chuyển giới thành nữ vẫn là trái tim đàn ông, nên chẳng khác nào tự nhận Kokutou Mikiya này là con trai nhưng lại thích đàn ông.

Tôi chưa đến mức thấm nhuần quan điểm triết học giới tính không ảnh hưởng đến tình yêu. Nhưng vậy cũng có nghĩa là tôi lại đang phân biệt nam nữ dựa trên vẻ bề ngoài, khiến tôi tự thấy con người mình xấu xí thế nào ấy. Vốn dĩ nếu quan hệ đồng giới là sai trái[7] thì việc một người đàn ông, trên tư cách đàn ông, thích Kokutou Mikiya cũng là sai trái. Mà thế thì rốt cuộc tôi vẫn sẽ chọn người đầu tiên, người thích tôi trên tư cách phụ nữ. Nhưng bởi giới tính của người đó là nam nên… Aaa, việc gì tôi phải vò đầu bứt tai cơ chứ!?

… À không, đợi đã. Hình như ngay từ tiền đề đã có gì đó mâu thuẫn? Nó là một cái hố bẫy; không chấp nhận tình yêu đồng giới, nhưng chọn ai cũng sẽ thành tình yêu đồng giới. Đến khi nhận ra điều này và ngẩng đầu lên, ngay lập tức tôi thấy chị Touko đang mím chặt môi kìm nén một nụ cười khoái trá.

“Chơi xấu thế, Azaka. Đấy chẳng phải ‘mệnh đề vừa đúng vừa sai’ ư!?”

“Vâng, chính nó. Nghịch lý Parmenides[8] trứ danh đấy ạ.”

“Đúng thật, với Kokutou thì đây đúng là một câu hỏi vặn chí mệnh đầy mâu thuẫn. Chết mất, mấy cô cậu chẳng bao giờ ngừng tấu hài cả. Cả nhà Kokutou đều thế hả, Azaka?”

Trái với chị Touko hẵng còn nhăn nhở, Azaka đang nhìn tôi rất nghiêm túc… Hiểu rồi. Con bé đang lo lắng cho tôi theo cách của riêng nó. Nếu vậy thì tôi phải nói cho rõ ý của mình thay phần Shiki không chịu trả lời dứt khoát.

“Thực ra anh cũng hiểu Azaka muốn nói gì. Chẳng qua anh không bận tâm đến việc Shiki là nam hay nữ. Anh nghĩ, kể cả Shiki có là SHIKI đi chăng nữa, thì tình cảm của anh vẫn không thay đổi.”

Thấy tôi vừa gãi má che giấu sự bối rối vừa nói, Azaka đứng phắt khỏi ghế, bàng hoàng tột độ.

“… Ý anh là dù người ấy là SHIKI thì anh vẫn thích?”

“… Ừ, nói thế nào nhỉ, chắc vậy.”

Ngay tức khắc, một thứ gì đó dày cộm đập vào mặt tôi.

“Thật… dơ bẩn!”

Bộp bộp bộp, những âm thanh dồn dập. Trong lúc tôi ngất đi, hẳn vì bị Azaka dùng cuốn sách con bé đang đọc nãy giờ đập vào mặt, văn phòng chỉ còn lại tôi và chị Touko.

Shiki đã bỏ đi vì giận Azaka, Azaka cũng mới lao ra ngoài. Vừa đưa tay lên sờ gương mặt đau tê tái, tôi vừa lườm chị Touko vẫn đang cười nhăn nhở một mình.


<>


Chừng hai tiếng sau thì đến giờ tan làm. Không thấy Shiki lẫn Azaka quay lại. Trước khi ra về, tôi vừa pha hai phần ca phê như đã hứa vừa đắn đo không biết tiếp theo nên tạt qua căn hộ của Shiki hay thôi.

“À, đúng rồi, Kokutou này, phiền cậu hôm nay làm thêm giờ nhé?”

Đang uống dở cốc cà phê thì nỗi băn khoăn ấy của tôi bị xóa sổ bởi một câu nói duy nhất của chị Touko.

“Làm thêm giờ… tức là chúng ta đã nhận thêm công việc khác ạ?”

“Không, không phải kiểu công việc mà cậu đang nghĩ. Việc không công cơ. Sáng nay chị ra ngoài là vì việc đấy. Một câu chuyện li kì nghe được từ một điều tra viên mà chị quen. Biết tòa chung cư Ogawa ở bãi Hayami không?”

“Bãi Hayami là cụm chung cư cao cấp xây trên nền khu đất bồi đắp nhỉ? Em nghe người ta gọi nó là ‘khu vực kiểu mẫu của tương lai gần’ hay gì gì đó.”

“Ờ. Cách chỗ này khoảng 30 phút tàu điện thì phải. Quỹ đất xa xỉ đến mức không thể ngờ nó tọa lạc giữa lòng đô thị. Ngày xưa chị có tham gia thiết kế một tòa chung cư ở khu ấy. Nghe nói ở tòa chung cư này đã xảy ra chuyện kì lạ.

“Mười giờ tối hôm qua, một nhân viên văn phòng tuổi khoảng 20 đến 25 bị tấn công khi đang đi trên vỉa hè. Đó là một vụ tấn công đường phố, người bị hại là nữ. Nạn nhân xấu số đã bị đâm. Kẻ tấn công vãng lai sau đó trốn thoát được, nhưng nạn nhân thì không may mắn như vậy. Vết đâm nằm ở  phần bụng và cô ấy không mang theo điện thoại di động. Hiện trường chính là ở khu chung cư cao cấp chị đang nói đến đấy. Xung quanh chẳng có cửa hàng quán xá nào, với lại lúc bấy giờ là mười giờ tối, chẳng còn người đi lại ngoài đường. Máu me be bét, cô ấy lết vào chung cư gần nhất, cố gắng kêu cứu. Ngặt nỗi, tầng một và tầng hai của chung cư ấy chưa được sử dụng, từ tầng ba trở lên mới có người ở. Thời khắc nạn nhân đi thang máy lên được tầng ba cũng là lúc sức lực chạm đến giới hạn. Cô ấy đã kêu cứu rất to ở đấy tận mười phút nhưng không bắt gặp bất cứ ai sống trong chung cư, đến mười một giờ tối thì tử vong.”

… Một câu chuyện bi thương. Chung cư thời nay ngày càng đồ sộ, kéo theo đó là sự biến mất của các mối quan hệ hàng xóm láng giềng. Hay phải chăng “làm ngơ mới đúng lễ nghĩa” là quy tắc ngầm ở chốn thành thị?

Thậm chí tôi cũng từng nghe từ người quen một câu chuyện tương tự như câu chuyện vừa rồi. Những tiếng la hét thất thanh vọng lên từ tầng dưới lúc nửa đêm, lặp đi lặp lại nhưng không một ai tới giúp. Sáng ra hàng xóm quanh đấy tới xem thử thì thấy mấy đứa con nhà ấy đã bị chính cha mẹ chúng giết hại. Có lẽ họ nghe thấy, nhưng tưởng là trò đùa nên bỏ ngoài tai.

“Vấn đề nằm ở những gì xảy ra sau đó. Nghe nói ngay cả chung cư bên cạnh cũng nghe thấy tiếng kêu cứu của nạn nhân. Không phải gào thét vớ vẩn, mà là tiếng người kêu cứu rõ ràng. Cư dân sống ở chung cư bên cạnh cứ tưởng kêu to đến thế thì ắt phải có người từ chung cư ấy chạy ra cứu nên không bận tâm lắm.”

“Sao có thể…? Cư dân của chưng cư ấy không nhận ra ạ?”

“Ừ, họ khai vậy. Ai nấy đều nói rằng tối hôm đó không có gì khác thường. Dĩ nhiên nếu chỉ thế thì chuyện này không đáng gọi là li kì, nhưng ở chung cư ấy trước đây đã từng xảy ra một vụ việc kì quặc khác. Cụ thể ra sao thì chị không moi được, nhưng anh chàng điều tra viên cho rằng hai sự việc bất thường nối tiếp nhau xảy ra, nghĩ kiểu gì cũng thấy không phải trùng hợp.”

“… Tóm lại là quản lý đang bảo em tới đấy điều tra chứ gì?”

“Không, khi nào cần tới hiện trường thì hai ta sẽ cùng đi. Kokutou chỉ cần tiếp xúc với bên môi giới bất động sản, mau chóng lập danh sách cư dân sống ở đó và cố hết sức điều tra về nơi ở trước đây của họ giùm chị. Việc không công nên cứ làm thong thả cũng được. Hạn chót là tháng mười hai.”

Đã rõ ạ, tôi đáp rồi đưa tách cà phê lên miệng… Chẳng hiểu sao, tôi có linh cảm mình đã đặt một chân vào một vụ án kì quái.

“Mà này, Kokutou.”

“Dạ?”

“Cậu thực sự không bận tâm nếu Shiki là nam à?”

… Có lẽ người hỏi câu này mà là Gakuto thì tôi đã chẳng ngần ngại phun hết chỗ cà phê đang ngậm trong mồm.

“… Có chứ. Ừ thì em thích Shiki thật, nhưng nếu nói về ham muốn thì con gái… cứ là con gái vẫn tốt hơn.”

“Gì vậy trời? Chán chết. Thế thì đâu còn vấn đề gì nữa.”

Thất vọng tràn trề, Touko buông thõng hai vai rồi đưa tách cà phê lên miệng.

… Thế thì đâu còn vấn đề gì nữa, ư?

“Khoan đã. Đâu còn vấn đề gì nữa, nghĩa là sao ạ? Lẽ nào…”

“Là thế đấy. Giới tính tinh thần của Shiki cũng là nữ, không thể nhầm được. Vốn dĩ, làm gì có chuyện vì SHIKI dương tính đã biến mất nên Shiki trở thành đàn ông, phải không?”

Kể ra… cũng đúng, nhưng còn cách nói năng của cô nàng thì sao? Trước đây Shiki vẫn dùng từ ngữ của con gái cơ mà.

“Để xem nào. Người gắn dương tính với nam tính, âm tính với nữ tính vốn là Shiki, nhớ không? Thế thì đơn giản. Cách nghĩ về âm dương này bắt nguồn từ Thái Cực đồ. Cậu biết quốc kì của Hàn Quốc trông ra sao chứ? Không biết á? Giống họa tiết dấu phẩy[9] ấy.”

Họa tiết dấu phẩy …? Chị Touko chắc đang nói đến cái hình tròn được chia đôi bởi một vạch uốn lượn như sóng ở giữa. Có điều, hai nửa được chia ra không phải cái mà mọi người thường gọi là hình bán nguyệt. Chúng giống như hai con ma trơi cắn đuôi nhau vậy. Trong các chữ cái thì họa hoằn lắm có chữ no[10] gần giống về hình dạng.

“Thái Cực đồ có một nửa màu trắng, một nửa màu đen. Thêm vào đó, mỗi nửa lại được khoét một lỗ màu đối nghịch, thành ra trên bán nguyệt trắng thì có chấm đen, trên bán nguyệt đen thì có chấm trắng.

“Nói thế chắc cậu hình dung được rồi nhỉ? Màu đen tượng trưng cho âm tính, tức phụ nữ. Thái Cực đồ là một xoắn ốc gồm hai màu đen trắng đan xen, đồng thời cũng tương khắc lẫn nhau.”

“Xoắn ốc…? Tương khắc?”

Những từ này… trước đây tôi đã từng nghe.

“Ừ. Gọi là âm và dương, sáng và tối, chính và phụ đều được. Diễn tả trạng thái phân đôi của một thứ gọi là Căn nguyên. Thuyết âm dương gọi là Lưỡng Nghi.”

“… Lưỡng Nghi ư? Đó là…”

“Phải, họ của Shiki đấy. Việc người nhà Ryougi mang trong mình hai nhân cách có lẽ được định sẵn từ quá khứ xa xưa. Vì mang huyết thống Ryougi nên Shiki mắc tâm thần phân liệt, hay vì biết sớm muộn cũng sẽ hạ sinh được Shiki nên gia tộc đó mới lấy họ là Ryougi? Chị nghiêng về giả thuyết thứ hai.

“Ryougi là một trong ba gia tộc lâu đời, tương tự như Asagami[11] và Fujou. Họ áp dụng đủ mọi phương pháp và ý tưởng vào việc sản sinh hậu duệ, cố gắng tạo ra những con người vượt trên con người. Mục đích là để kế thừa ‘di sản’ của gia tộc.

“Trên hết, chị thấy gia tộc Ryougi khá thú vị. Họ nhận thức được mình sẽ bị xã hội tận diệt vì mang năng lực phi thường, nên mới tính đến việc tạo ra những cá nhân siêu việt có thể sống dưới vỏ bọc là người thường.

“… Này Kokutou, theo cậu tại sao những người được đánh giá là bậc thầy ấy, mỗi người chỉ đứng trên đỉnh của một lĩnh vực duy nhất?”

Tôi không thể trả lời câu hỏi bất ngờ của Touko. Hôm nay thực sự là một ngày dài, lượng thông tin nhập vào não bộ vượt quá giới hạn của tôi. Chưa kể… Shiki bị sinh ra trong một gia tộc như thế, tại sao…

“Đó là vì dù sở hữu cơ thể, tố chất xuất sắc đến thế nào đi nữa, mỗi người chỉ có thể đạt đỉnh cao trong một việc. Càng cố leo tới nơi cao hơn, ta càng khó có thể leo ngọn núi khác.

“Nhà Ryougi đã giải quyết được vấn đề này. Chính bằng việc nhồi vô số nhân cách vào một thể xác đấy. Giống một cái máy tính vậy. Cài hàng chục, hàng trăm phần mềm vào phần cứng là Shiki sẽ cho ra đời bậc thầy trên tất cả các lĩnh vực. Thế nên tên của cái máy tính mới là Shiki. Shiki trong thức thần. Shiki trong công thức toán[12]. Thứ chương trình thành thạo chỉ thực hiện những việc được định sẵn đến mức hoàn hảo. Sở hữu vô số nhân cách. Quan niệm đạo đức lẫn thường thức lẫn nhân cách đều bị ghi đè. Một con rối trống rỗng[13]…”

Phải chăng Shiki đã biết điều đó…? À không, nhất định là đã biết. Chính vì biết nên mới kiên quyết tránh né các mối quan hệ với chúng tôi. Lẽ nào cô nàng đã chấp nhận việc bản thân không bình thường và bị sinh ra trong một gia đình oái oăm nên luôn cố gắng sống cuộc đời lặng lẽ…?

“Quay lại với Thái Cực đồ nhé. Từ [        ] hỗn độn phân chia thành hai thứ là Lưỡng Nghi, rồi cứ thế phân chia theo cấp số hai. Để ổn định hơn và phân loại nhỏ hơn, Lưỡng Nghi chia thành Tứ Tượng, rồi Tứ Tượng lại phức tạp hóa hơn nữa thành Bát Quái. Điều này cũng thể hiện tính năng của Shiki nhỉ.

“Tuy nhiên, việc phân chia chỉ đến đây là dừng. Có bug phát sinh trong chương trình hoàn hảo. Shiki hiện giờ tuy có ít nhiều vấn đề, nhưng vẫn là một con người bình thường với bản ngã đã định hình đấy.”

Tách, ngọn lửa bùng lên từ chiếc bật lửa.

Tôi phản ứng trước những gì Touko kể bằng một tiếng ớ đầy hoài nghi.

“Bản mặt ấy là sao hả? Người làm hỏng Shiki là cậu chứ ai nữa? Những kẻ lập dị nhé, ngay cả trong mơ họ cũng không nghĩ mình lập dị nên chẳng bao giờ sụp đổ[14]. Trước đây Shiki cũng từng như vậy. Nhưng một con người tên Kokutou Mikiya đã bắt con bé phải nhận ra. Rằng cách tồn tại có tên Ryougi Shiki là một cách tồn tại dị thường.

“À… đúng rồi. Nếu coi việc làm đó là cứu, thì chẳng phải hơn hai năm trước cậu đã từng cứu Shiki đấy thôi?”

Này, Touko vừa nói vừa chìa cho tôi một điếu thuốc. Tôi chưa từng hút nhưng vẫn nhận lấy và được chị châm lửa.

… Vị của điếu thuốc lá đầu đời rất, rất khó tả.

“Ấy chết, lạc đề rồi. Lúc đầu chị không định kể về Lưỡng Nghi, nhưng dạo này chị như bị ma xui quỷ khiến, thành ra buột miệng nói khơi khơi. Biết đâu bất ngờ, ngay ngày mai Kokutou có thể hẻo rồi cũng nên.”

“… Sợ quá nhỉ. Em phải chú ý xe cộ mới được.”

“Ừ, kệ đi. Vừa rồi là về Thái Cực đồ. Chị đã kể ở mỗi Lưỡng Nghi có một chấm đúng không? Trong trắng có đen, trong đen có trắng. Hay trong dương có âm, trong âm có dương.

“Điều đó ám chỉ trong nam giới có một phần nữ tính và trong nữ giới có một phần nam tính. Vì cách ăn nói giống đàn ông mà kết luận là nam thì quá vội vã. Con người dẫu thế nào đi chăng nữa đều thích người khác giới. Niềm hứng thú với trang phục nữ giới là một ví dụ điển hình. Shiki hiện giờ không phải ai khác, chính là Shiki âm tính. Cách ăn nói của đàn ông là hành vi bù trừ con bé vô thức thực hiện vì SHIKI, người đã chết. Có lẽ con bé mong chí ít vẫn còn cậu nhớ tới SHIKI. Chao ôi, sao mà đáng yêu thế cơ chứ!”

“…”

… A, nghe Touko giải thích tôi mới thấy đúng như thế thật. Tuy cách ăn nói của Shiki đã trở nên giống đàn ông, nhưng hành động, cử chỉ của cô nàng không giống đàn ông như hai năm trước. Rốt cuộc, chúng vẫn là những gì thuộc về một thiếu nữ.

Mất đi nửa SHIKI kia, hiện giờ cô nàng đang ở trong tình trạng vô cùng yếu đuối và bất ổn. Khi đã thấm thía điều này, ngực tôi đau quặn. Thấy Shiki sau khi tỉnh dậy khỏi cơn hôn mê kéo dài hai năm điềm tĩnh hơn hẳn trước kia nên tôi đã ngộ nhận. Thực ra hiện giờ Shiki vẫn cô độc, y như dạo đó, khi cô nàng hẵng còn mang cái vẻ mong manh tưởng như có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào.

Tôi cũng vẫn như hồi ấy. Vẫn không thể buông tay khỏi một Shiki như vậy.

… À, nhưng hai năm trước tôi đã không thể làm được gì. Nếu có lần sau, tôi quyết phải cứu Shiki cho bằng được.

Chú thích[]

  1. Người dịch xin được giải thích một chút về lý do cùng một từ nhưng lại dùng hai cách dịch. Nguyên gốc của từ này là mahoutsukai (魔法使い), trong đó mahou nghĩa là ma pháp, tsukai nghĩa là người sử dụng. Trong tiếng Nhật thông thường, từ mahoutsukai và majutsushi (ma thuật sư) khó có thể phân biệt rạch ròi. Theo jp.wikipedia.org, nếu dịch sang tiếng Anh thì từ mahoutsukai có phạm vi nghĩa rất rộng, bao gồm magic user, enchanter, enchantress, mage, magician, wizard, witch, sorcerer, sorceress và warlock. Đây là cách hiểu của người bình thường, và cũng là cách hiểu của Mikiya, nên khi từ này được người bình thường như Mikiya sử dụng, người dịch xin được dịch là “phù thủy”. Cách dịch này cũng được sử dụng khi Touko tự giới thiệu với Shiki hoặc Kiritsugu tự giới thiệu với Shirou vì với người bình thường, phù thủy nghe dễ hiểu hơn người sử dụng ma pháp, giống như mahoutsukai nghe dễ hình dung hơn majutsushi. Cũng theo jp.wikipedia.org, những mahoutsukai đặc biệt thông tuệ, sử dụng ma pháp vì chính nghĩa mới được gọi là majutsushi và từ này dịch sang tiếng Anh là wizard, nhưng trong Nasuverse, majutsushi lại được định nghĩa là người tu luyện và sử dụng ma thuật (majutsu) và dịch sang tiếng Anh là mage. Azaka là người trong giới ma thuật sư nên cách hiểu của Azaka tuân theo định nghĩa trong Nasuverse, và vì vậy, khi Azaka dùng từ mahoutsukai, dịch giả xin được dịch là người sử dụng ma pháp. Trong tên của một tác phẩm khác của Nasu là Mahoutsukai no Yoru, từ mahoutsukai được dịch sang tiếng Anh là "witch", mặc dù "witch" trong Nasuverse là majou (ma nữ). Đó là bởi từ mahoutsukai đã được dịch dưới góc nhìn của người bình thường. Tóm lại, sự khác biệt đáng kể về định nghĩa của mahoutsukai và majutsushi trong tiếng Nhật thông thường và trong Nasuverse chính là nguyên nhân khiến người dịch quyết định dùng hai cách dịch cho một từ.
  2. Kabbalah của người Do Thái là một tập hợp các giáo lý bí truyền nhằm giải thích mối quan hệ giữa Thiên Chúa, sự bất biến, vĩnh cửu và bí ẩn.
  3. Một trong hai phái của Đạo giáo, bên cạnh Đạo giáo phù thủy. Mục đích tu luyện Đạo giáo nói chung là sống lâu, nhưng Đạo giáo thần tiên hướng tới việc tu luyện thành thần tiên trường sinh bất tử, dành cho quý tộc vua chúa, còn Đạo giáo phù thủy dùng phép thuật trừ tà trị bệnh, chủ yếu giúp dân thường khỏe mạnh. Cũng xin nói thêm để tránh hiểu lầm, chữ “phù thủy” ở đây nghĩa là “nước bùa”, thứ nước đạo sĩ dùng để trừ tà và chữa bệnh, sang tiếng Việt thì dùng để chỉ người sử dụng thứ nước ấy.
  4. Touko đang nhắc đến em gái mình, Aoko, nhân vật chính trong Mahoutsukai no Yoru.
  5. Thành ngữ ám chỉ những kẻ biến thái chỉ nghĩ tới những chuyện xấu xa, bậy bạ. Cũng giống cách nói ‘đầu óc đen tối’ trong tiếng Việt.
  6. Furigana có nghĩa là diện mạo.
  7. Truyện được sáng tác vào những năm 90 của thế kỉ trước, khi mà cái nhìn của xã hội Nhật Bản dành cho người đồng tính vẫn còn khá khắt khe.
  8. Nghịch lý được đề ra bởi triết gia Hi Lạp cổ đại Parmenides, cụ thể là nghịch lý về sự biến đổi của tồn tại: 1. Mọi thứ đều tồn tại. Không thể nói hay nghĩ về một thứ không tồn tại, vì chính hành động nói và nghĩ đã khiến nó tồn tại. 2. Mọi thứ mà ta nghĩ được về chúng phải tồn tại. Không có gì là không tồn tại. 3. Để một thứ tồn tại, nó phải biến đổi từ trạng thái không tồn tại. 4. Như điều 2, không có gì là không tồn tại nên không thể xảy ra sự biến đổi thành trạng thái tồn tại. Dịch giả xin lấy một ví dụ cho dễ hiểu: Chúng ta thường nói trên đời này không có ma quỷ, tức là ma quỷ không tồn tại. Nhưng chúng ta nghĩ về ma quỷ, nói về ma quỷ, sợ ma quỷ, nên theo điều 1 thì ma quỷ có tồn tại. Ma quỷ từ trạng thái không tồn tại đã trở thành tồn tại, như điều 3. Nhưng ma quỷ phải tồn tại từ trước, không thì ta không thể nghĩ, nói, sợ chúng được, như điều 2. Tức là không thể xảy ra sự biến đổi trạng thái của ma quỷ từ không tồn tại thành tồn tại, như điều 4. Đây chính là nghịch lý. Theo ý kiến cá nhân của dịch giả, câu đố của Azaka tuy là nghịch lý, nhưng không phải nghịch lý Parmenides.
  9. Tên gọi trong tiếng Nhật là tomoe (巴) (cùng chữ Hán và cách phát âm với tên của Enjou Tomoe), một loại họa tiết, nét chữ, biểu tượng phổ biến trong văn hóa Á Đông. Tuy phổ biến nhất là Thái Cực đồ (hai dấu phẩy), song nguồn gốc của chúng chưa được khẳng định, thậm chí những biểu tượng tương tự còn được phát hiện ở đảo Crete (Hi Lạp) có niên đại từ thời văn minh Minoan (1700 – 1400 trước CN) hoặc các mặt hàng có hoa văn hai con cá cắn lẫn nhau ở đồng bằng trung tâm Mê-xi-cô.
  10. Chữ の.
  11. Âm Hán là Thiển Thần.
  12. Như dịch giả đã từng đề cập ở các chú thích trước, tên gọi Shiki có chữ Hán là chữ Thức.
  13. Cũng có thể hiểu là “một hình nhân của tính không”.
  14. Thứ sụp đổ ở đây có thể là bản ngã hoặc thế giới quan.

Theo dõi & Thanh chuyển trang

Bỏ theo dõilatest?cb=20190220103837&format=originalbộ truyện này
► Xem lại /5 (Mâu Thuẫn Xoắn Ốc, 1)♬   Kara no Kyoukai   ♬► Xem tiếp /7 (Mâu Thuẫn Xoắn Ốc, 3)
Advertisement