Sonako Light Novel Wiki
Advertisement

CHƯƠNG 2[]

Chuyện bắt đầu bằng cuộc gọi của Chitanda vào một ngày giáp Tết.

“Oreki-san, cậu có dự định gì vào ngày đầu năm không?”

Tôi nghĩ một hồi.

Thời tiểu học tôi thường đi lễ đến mỗi dịp năm mới vì bà chị yêu dấu thích những sự kiện như vậy. Bả có thể đi một mình nhưng không khi nào lại không lôi tôi theo. Đi cùng chị tới đền Hachiman gần nhà cũng tốt, nhưng đùng một cách sự trở nên tệ hại vào cái năm bà chị yêu dấu ấy thi đại học. Tôi bị bắt phải cầu nguyện cho chị thi đậu và tiếp đến là một cuộc hành trình đầy gian khổ, với thời gian đi bộ chắc cũng phải mấy tiếng tới đền Tenmagu. Nếu nhớ không lầm thì, dù bắt tôi cầu nguyện để thi đâu đậu đó nhưng bà chị lại chẳng mua cho mình lá bùa cầu may nào cả, thay vào đó lại chọn cách giết thời gian rết tao nhã và rút xăm liên tục cho tới khi được quẻ “Đại cát”.

Rồi bà chị cũng vào đại học, và từ đó cất cánh bay tới những vùng đất rộng hơn, xa hơn và nhờ thế tôi cũng không còn bị bắt đi theo nữa. Việc đi thăm đền hàng năm với tôi cũng không còn cần thiết. Không làm thì bỏ, đã làm thì phải làm cho nhanh. Kết luận, tôi chả có dự định gì trong ngày đầu năm cả.

“Không, không hẳn.”

Giọng của Chitanda vui mừng thấy rõ.

“Vậy à, thế cậu có muốn thăm đền với tớ không?”

“… Không phải là đền Tenmagu chứ?”

“Hở? Cậu muốn đi tới đền Tenmagu à? Xa lắm đấy.”

Ờ, xa thật.

Hình như tôi vừa bị hiểu lầm là một người ham học[1] thì phải. Chitanda hạ thấp giọng, như chờ đợi xem tình hình sẽ thế nào.

“Nếu được thì cậu có muốn đi tới đền Arekusu không?”

Đền Arekusu không xa chút nào. Nếu không có tuyết thì đạp xe vài phút là tới nhưng tôi không thật sự muốn đi cho lắm. Đó là ngôi đền lớn nhất ở thành phố Kamiyama nên sẽ chẳng lạ gì nếu khung cảnh vào ngày đầu năm sẽ là người với người. Chen lấn giữa một biển người trong cái tiết trời rét rụng như vầy là sự phản bội với chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng của tôi. Chuyển cái điện thoại qua tay bên kia, tôi nói:

“Có cái gì ở đó à?”

“Không hẳn là có gì, nhưng…”

Chiatnda đáp, giọng nhỏ lại tươi tắn hơn.

“Mayaka-san làm việc bán thời gian ở đó.”

Ibara sao? Tưởng tượng cảnh nhỏ đối mặt với một biển người đi thăm đền đầu năm mà trở nên lóng ngóng thì…

“…”

“Ấy, cậu vừa cười à?”

Ờ, đúng đó. “Làm việc bán thời gain ở đền vào năm mới” – cụm từ này đồng nghĩa với việc tròng một bộ áo trắng và thoa lên mặt một mớ phấn son, và ngoại hình của Ibara khó có thể xem là “đủ tuổi” cho mấy chuyện đó. Tôi trả lời.

“Cá là thảm lắm.”

“Oreki-san xấu tính quá.”

Mắng là mắng thế nhưng tôi cũng nhận ra Chitanda đang giấu một nụ cười. Nếu sự thiếu lịch sự của tôi có thể khiến nhỏ cười thì xem ra Ibara cũng đã tự giễu mình khi hai nhỏ gặp nhau trước đó.

“Fukube-san cũng sẽ tới, nên tớ nghĩ cậu cũng muốn đi.”

Satoshi sẽ không từ việc chiêm ngưỡng Ibara quằn quại trong bộ đồ quá cỡ đó đâu.

Mà thôi. Chọc Ibara thì vui thật đấy, nhưng sẽ là bất kính nếu viếng đền chỉ vì điều đó. Có lẽ cầu nguyện một chút cho sức khỏe và sự bình yên trong năm mới là một lý do cao cả hơn.

“Và…”

“Còn gì nữa à?”

“Cũng không có gì quan trọng, nhưng mà…”

Lần này Chitanda còn hạ giọng hơn nữa, cực kỳ e thẹn.

“… Tớ cũng muốn khoe bộ kimono của mình nữa.”

Để từ chối đề nghị của Chitanda tôi sẽ không thể dựa vào cớ nào khác ngoài “trời lạnh”. Nhật Bản là một quần đảo bốn bề chỉ có biển, sau khi mặt trời lặn thì chỉ có điên người dân thành phố Kamiyama mới rời khỏi nhà, Rõ là mùa đông thì phải lạnh rồi, chịu thì cũng chịu được đấy nhưng tôi chẳng muốn trả giá cho sự chơi liều của mình những ngày sau đó chút nào. Nhưng… lại là một cái “nhưng”, năm mới là dịp để người ta thay đổi…

Khoác lên một lớp áo dày, quàng quanh cổ chiếc khăn màu be, đeo găng tay và thậm chí còn nhét một cái túi sưởi vào trong áo, ấy thế mà hai hàm răng tôi vẫn đánh lập cập. Nghĩ là vì còn chưa giữ ấm hai bàn chân tôi bèn tròng thêm một đôi ủng không dây trông hệt như làm bằng da thuộc. Liếc vào ti-vi trước khi đi ra, tôi biết được nhiệt độ hôm nay được ghi nhận là thấp kỉ lục trong cả mùa đông. Chẳng có áng mây nào ở trên trời, thay vào đó là muôn vàn vì sao lấp lánh khiến tôi phát bực. Cái bầu khí quyển thoáng đãng quá mức này chỉ tổ làm người ta cảm thấy lạnh hơn mà thôi.

Tôi đang đợi dưới một cổng vòm bằng đá phía ngoài khu vực đền thờ. Trễ thế này nhưng đền Arekusu vẫn đông người tới viếng dù vẫn có thể đi mà không lo va vào ai. So với bầu trời lạnh giá thì con đường dẫn vào đền được thắp sáng rực rỡ bởi hai hàng lồng đèn trông ấm áp hơn hẳn.

Những con người đang mặc áo bành – tô và áo len đi qua đi lại với dáng bộ khúm núm nhằm hạn chế tối thiểu thân mình ra trời lạnh, nhưng chẳng có gương mặt cau có nào vì trời rét cả. Đằng kia một vài nhóm, hình như vừa thấy người quen mà cúi chào rồi trao đổi cho nhau những lời chúc năm mới. Còn tôi vẫn chưa nhìn thấy Chitanda.

Đến sớm quá chăng?

Chờ người trong cái tiết như vầy thì thật không dễ chịu chút nào, nghĩ thế tôi liền nhìn đồng hồ. Ngay lúc đó, một chiếc taxi màu đen dừng lại ngay trước cổng vòm. Cửa mở, và với một lời “Xin thành thật cảm ơn” cô gái bước ra khỏi xe. Bộ kimono của cô mang màu đỏ sáng rực như ánh sao và tỏa rạng như đàn lửa. Cô còn khoác ngoài một chiếc áo màu đen huyền, với một bên tay là chiếc túi vài màu tím lợt. Miệng túi được trang trí bởi dây buộc vàng kim và thắt gút lại trông như những trái bóng. Mái tóc cô cũng búi gọn gàng bằng một chiếc trâm lộng lẫy khẽ lay động theo những bước đi. Sau hết, cô còn mang theo một thứ có vẻ như là chai rượu được bọc cẩn thận một lớp giấy trắng chắc là đồ cúng cho đền…

Đúng là năm mới, ai cũng diện những bộ cánh diễm lệ.

Tôi không ngờ nhỏ tới bằng taxi. Hóa ra ngày này taxi vẫn hoạt động à? Nghĩ vẩn vơ tôi lại hướng mắt về Chitanda, người đang nhìn tôi mà nở một nụ cười.

“Tớ có làm cậu phải đợi không?”

“Không…”

“Chúc mừng năm mới.”

“Ch-chúc mừng năm mới.”

“Hy vọng quan hệ của tụi mình vẫn tốt đẹp vào năm sau.”

“Tớ cũng vậy… Có gì sai sót mong cậu bỏ qua…”

Tệ kinh hồn! Bị rét nên cứng lưỡi luôn rồi à? Trả lời trả của kiểu gì thế này? Chitanda hẳn là nhận thấy sự ngượng ngùng của tôi. Giơ hai cánh tay lên một chút, nhỏ lúc lắc hai ống tay áo mà nói:

“Khoe đây!”

Tông màu chủ đạo của bộ kimono là đỏ, nên nghiễm nhiên nó được vào hạng “thanh nhã” và quả thật nó chẳng tỏ ra chút chói lòa nào. Một bộ đồ tươi tắn phù họp để mặc trong ngày đầu năm. Có chút kì lạ là trong mắt tôi bộ kimono trông nhẹ đến lạ kì khi được mặc bởi Chitanda. Có rất nhiều họa tiết hoa nhưng nó vẫn làm người khác cảm thấy thư thái. Nhớ lại hồi xưa, mỗi khi bà chị yêu dấu diện kimono thì điều duy nhất hiện lên trong đầu tôi chỉ là : “Bà già tomboy[2] này bị gì vậy?”

Vì Chitanda khoác ngoài một lớp áo màu đen nên toi chỉ nhìn được bộ kimono từ phía trước. Đó là một đàn bướm bay trong bức nền màu đỏ, phía trên một dòng sông được thêu gần viền áo… hay đó là mây nhỉ?

Tôi không biết phải đáp thế nào, nhưng Chitanda thật sự có vẻ chỉ muốn “khoe” mà chẳng cần bất kì lời bình phẩm nào. Với túi xách bên tay trái và một cái chai bên tay phải, nhỏ hướng mắt về con đường dẫn vào đền.

“Tụi mình đi vào chứ?”

Đôi guốc của Chitanda tạo những tiếng lách cách khi chúng tôi đi về phía đền. Nhìn vào tấm lưng nhỏ từ phía sau tôi chợt nghĩ mình lẽ ra nên nói một câu như “Cậu mặc đẹp quá” hay đại loại thế.

Chúng tôi cứ bước cho tới khi những tiếng lách cách đó hòa vào bầu âm thanh hơi ồn ã của xung quanh.

Như dự đoán, những cơn gió buốt trở nên dịu đi hẳn khi bao lấy chúng tôi là đám đông. Những viên đá lót đường trải dài trước mặt cùng với ánh sáng từ lồng đèn khiến những bóng người hiện lên dưới trời đêm. Tôi đột nhiên nhận ra cái chai Chitanda đang cầm trông có vẻ khá nặng. Cầm hai thứ hai tay ở nơi đông đúc này thì thật là nguy hiểm. Khi nói với nhỏ rằng để tôi cầm cái chai cho Chitanda chẳng khách sáo dù chỉ một chút.

“Cám ơn cậu rất nhiều. Đây.”

“Là gì vậy?”

“Một chai rượu sake.”

Tôi cũng nghĩ vậy, chứ xì dầu thì chắc không hẳn rồi.

“Gia đình tớ có giao thiệp với những người trông coi đền. Tớ đến đây để tặng quà năm mới cho họ.”

“Đầu năm đã phải làm việc rồi à? Nghe mệt nhỉ.”

“Vào buổi sáng rồi mệt hơn ấy chứ. Cả buổi tớ phải tỏ ra thật cung kính khi có họ hàng tới thăm.”

Một hình ảnh về Chitanda “phải tỏ ra thanh nhã” vuột qua trước mắt. Nhỏ đã phải diện những bộ áo sặc sỡ, mặt thì đánh phấn trắng, môi thì thoa son và ngồi thật nghiêm ở bên cạnh chỗ ngồi của gia trưởng mà không di tới một tấc.

Thực tình cũng chả chắc thế đã là thanh nhã hay chưa, nhưng tôi biết nhà Chitanda là một gia tộc điền nông lớn và lâu đời. Người đang đi cạnh tôi là con gái một của gia tộc đó, nên hẳn là nhỏ thường phải giao thiệp ở một cấp độ mà tôi chẳng thể mong được hiểu.

Lại một ý nghĩ kì lạ khác : tại sao việc viếng đền lại phải là vào buổi tối, khi ngoài trời rét căm như thế này? Chắc hẳn vì Ibara làm cả ca đêm, nhưng xem ra bởi vì sự bận rộn của gia đình Chitanda vào buổi sáng là một nguyên nhân khác.

“Nãy tớ chỉ kịp ăn một miếng bánh mochi nên giờ hơi đói bụng một tí.”

Chitanda nói rồi đặt tay lên bụng – nơi được buộc quanh bời một dải obi màu tím nhạt đầy nho nhã chắc là để tiệp màu với cái túi xách.

“Còn cậu thì sao?”

“Tớ trải nghiệm cuộc sống của loài tôm kí cư.”

“Ể?”

Hôm nay rất lạnh.

Với một buổi sáng chỉ đơn giản là quá lạnh như thế này, tôi không còn cách nào khác ngoài việc học cách sống như một con tôm kí cư. Nói cách khác : chỉ có cái đầu thò ra khỏi kontatsu[3] và tôi đánh bạn với cái tô đầy quýt. Hình như sẽ là chính xác hơn nếu nói rằng tôi giống một con sên. Vì công việc ba đã rời khỏi nhà từ sớm để gặp ai đó, còn chị thì đi đâu chẳng biết nên tôi đã được tận hưởng cuộc sống đầy thư thái như vậy.

Giết thời gian bằng một quyển truyện chữ, nhai mấy miếng bánh bất cứ khi nào đói và rỗi rãi lại lấy mấy tấm thiệp mừng năm mới ra xem. Cứ thế cho tới khi đồng hồ chỉ mười hai giờ trưa báo hiệu một nửa của ngày mồng một tháng Một đã trôi qua. Đây cũng là lúc tôi mở TV lên để xem “Phim đặc biệt đầu năm – Thành Odani: Khi gió đổi chiều”, dường như đã kéo dài gần hết ngày.

Nghĩ lại tôi cũng thấy khá xấu hổ với bản thân khi mới đầu năm đầu tháng đã lười chảy thây như thế. Mà thôi, không nên nói về đề tài này nữa. Chuyển.

“Satoshi giờ đang làm gì nhỉ?”

Không để tâm tới việc chuyển chủ đề, Chitanda đáp:

“Có lẽ bây giờ Mayaka-san đang gọi cho Fukube-san đó.”

Ngoài những công chuyện liên quan tới CLB Cổ Điển Ibara có nhiều lý do khác để liên lạc với Satoshi. Ai cũng có thể nghĩ là vì nhỏ thích nói chuyện với hắn, nhưng nguyên do thực tế tôi nghĩ chỉ đơn giản vì hai đứa nó có điện thoại di động trong khi Chitanda và tôi thì không. Tôi cũng nghĩ là mình nên sớm có một cái, nhưng vì lý do kinh tế nên tạm thời để đó vậy.

Con đường cuối cùng cũng dẫn đến những bậc thang bằng đá. Trông khá dốc nhưng may là hai bên, thậm chí là ở giữa cầu thang đều có thanh vịn. Tuy vậy tôi nhận ra chẳng có lấy một người luống tuổi nào màng tới việc vịn tay để leo lên leo xuống cả. Những chiếc đèn lồng tỏa sáng dọc theo đường đi cũng dừng lại ở đây, thay vào đó là các lá cờ màu trắng với dòng chữ “Đền Arekusu” treo trên từng bậc. Vài hạt tuyết lất phất rơi trên những bậc trước mặt.

“Cẩn thận nhé Oreki-san, chỗ này trơn lắm.”

Nói xong Chitanda đi lên trước.

Bước hết những bậc đá chúng tôi lại đi qua một cái cổng vòng khác. Arekusu là một ngôi đền lớn nên chẳng lạ gì khi dọc đường luôn rôm rả tới mức ồn ào tiếng cười nói của người đi viếng. Xem ra nên dẹp cái hy vọng về một không gian yên tĩnh đi là vừa, phải để mọi người được vui vẻ trong ngày đầu năm chứ.

Có một đài lửa lớn ở trung tâm sân trong, tỏa sáng tới mức tôi chỉ có thể nhìn thấy bóng của những người đang kết thành một vòng chung quanh nó. Lạnh thế này thì quây quần bên đống lửa cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng có lẽ vì lửa quá mạnh nên nhìn kĩ tôi thấy hầu như tất cả họ đều quay lưng lại. Những hình dáng hiếm hoi chĩa cả hai bàn tay về phía lửa là lũ trẻ con hiếu động đang nô đùa với nhau. Tôi cũng nhận ra trong tay của một số người là những cái cốc giấy, xem ra trong đền có đồ uống nóng đây.

Bên tay phải là văn phòng của đền, nơi đang được trưng dụng thành một cửa hàng bán đồ lưu niệm, bùa cầu an hay đại loại vậy. Đông người như thế mà khu mua sắm không một chút tỏ ra là bận rộn, xem ra “giờ cao điểm” đã qua rồi. Ibara có ở đó không nhỉ? Đưa mắt sang bên kia tôi nhận ra một cái cổng vòm màu đỏ, nhỏ hơn hai cái kia và nằm khá khuất. Có lẽ ở đây cũng dành ra một khoảng để thờ thần Inari.[4] Tương phản với những lá cờ phủ trắng khắp khu dền, nơi đây chỉ có một lá cờ đỏ với dòng chữ “Đệ Nhất”[5] treo ở trước cổng vòm. Phía sau cũng có một gian nhà phụ. Trông biệt lập thế nhưng vẫn có kha khá người đang cầu nguyện. Cũng phải thôi, đã là doanh nhân thì ai cũng phải nương tới thần Inari để được phù hộ làm ăn tấn tới rồi.

Chai rượu trong tay tôi bắt đầu trở nên nặng.

“Tớ để cái này ở đâu đây?”

Tôi hơi nhấc nó lên. Chitanda lắc đầu, nghĩ một chút rồi nói:

“Tụi mình cầu nguyện trước đã nhé.”

Để tới chánh đền chúng tôi phải vượt qua thêm một chiếc cầu thang đá. Ơn trời là nó ngắn hơn và thoải hơn nhiều. Chỉ có mười bước nhưng phía trên đông nghẹt người đi nguyện. Chitanda và tôi xếp hàng phía sau.

Cứ mỗi một hay hai phút là một bước tiến. Người ta xếp thành một hàng dài đi ngang qua chánh đền, thảy tiền cúng dường vào hộp gỗ, vỗ tay sau khi cầu nguyện rồi đi ra. Cả một hàng phải đi hết thì nhóm người tiếp theo mới được lên xếp hàng. Nhìn từ hướng con người thì thế là cầu nguyện, nhưng với các vị thần thì những lời nguyện này chẳng khác gì đồ hàng để trên băng chuyền hay sao? Những lời nguyện “chính chuẩn” như “Cầu cho con được sức khỏe tốt” hay “Cầu cho thế giới hòa bình” thì không tệ, nhưng lỡ mà kiểu “Con mong rằng ông nội sẽ hết bệnh, nhưng không cần phải ngay lập tức. Đồng thời, con cầu mong mấy đứa con của con thi đâu đậu đó, vi thú thực con chả muốn tụi nó vào trường tư nữa đâu, trường công đỡ tốn hơn” thi các thần lấy đâu thần lực để diễn dịch mà phù hộ cho đây?

Mải theo dòng suy nghĩ vớ vẩn ấy đã đến lượt chúng tôi lúc nào không hay. Ném đồng năm yên vào thùng tiền cúng được phủ ngoài bởi một tấm vải trắng to bất thường, tôi nghĩ rằng lời nguyện mình sắp thì thầm sẽ ổn cho các thần.

Phù hộ cho năm nay con dễ dàng tiết kiệm năng lượng hơn.

Thế là sự kiện chính trong chuyến thăm đền đã kết thúc. Giờ việc chúng tôi cần làm chỉ là kiếm chỗ để đặt chai sake xuống, chọc Ibara cho vui rồi về nhà. Ồ, lạnh quá. Khi nghĩ đến việc phải len qua đám đông để đến cửa hàng lưu niệm tôi thấy Chitanda xắn tay áo khoác lên mấy vòng.

“Cậu tính đi đâu vậy?”

“Chẳng phải giờ đến gặp Ibara sao?”

“Đúng thế, nhưng tớ sẽ vào chánh văn phòng để chào trụ trì trước. Bên trong thông với chỗ làm của Mayaka-san mà.”

Có vài ông chú mặt đỏ au tụ tập trước cổng chánh đền. Người trẻ nhất trông khoảng bốn mươi, trong khi người già nhất chắc phải đã bát tuần, có lẽ là đạo dân của đền đến để giúp việc. Không chút gì e thẹn, Chitanda cắt ngang qua họ mà mở cánh cửa lưới mắt cáo còn tôi chỉ biết co ro theo sau. Biết là mình trông thảm hại nhưng chịu thôi, tôi chưa từng giao tiếp với người có tuổi.

“Xin phép ạ!”

Chitanda la lớn, nhưng không ai xuất hiện có lẽ vì đang bận. Nhỏ bèn la lên hai ba lần nữa cho tới khi một người đàn ông tóc bạc trắng bước ra. Ông bác này mặt cũng đỏ au và trông có vẻ không được vui. Với chất giọng khàn khàn, ông hỏi:

“Chuyện gì?”

Chitanda nhẹ nhàng cúi đầu.

“Chúc mừng năm mới. Cháu là Eru, thay mặt cho Chitanda Tetsugo đến lễ đền đầu năm ạ.”

Trái ngược với bộ mặt cau có lúc nãy, ông cười.

“A, ra là con gái của chú Chitanda! Vào đi, để ta gọi người phụ trách.”

“Cháu cám ơn ông ạ.”

Còn cháu là Oreki, đèo bồng. Xin lỗi vì đường đột.

Ông dẫn chúng tôi tới một gian phòng rộng mười chiếu. Bốn vách đều có cửa trượt còn trần thì khá thấp. Rất nhiều lò sưởi daruma[6] bên trong và tôi có thể thấy ánh lửa hắt nhiệt của nó qua khe cửa sổ nhỏ xíu. Ngoài ra còn có hàng chục cái bàn thấp giành cho khách thăm đền ngồi dùng bữa hay uống sake. Những tràng cười vang lên không ngớt cũng tạo cho căn phòng một không gian ấm áp.

“Tụi mình vô chỗ kia ngồi nhé.”

“Ừ.”

Rõ là còn quá sớm trước tiệc mừng nên chỗ trống còn khá nhiều. Chitanda và tôi tiến về cái bàn nằm ở một góc phòng. Trước khi ngồi Chitanda cởi lớp áo khoác đen mà lộ ra hoàn toàn bộ kimono. Tôi đã nghĩ nó chỉ là một chiếc áo khoác bình thường, nhưng khi nhìn dưới ánh đèn điện tôi nhận ra lớp vải ngoài như bện lại thành những chi tiết hình chùm xoắn, và sắc độ có thể thay đổi tùy góc nhìn. Nhỏ nhận ra sự xem xét tỉ mỉ của tôi.

“Có vấn đề gì à?”

“Không, tớ chỉ nghĩ là chiếc áo khoác của cậu có họa tiết rất đặc biệt.”

Chitanda mỉm cười.

“Cám ơn nhé. Nó được làm từ vải crêpe đấy.”

Câu chuyện về Mito Koumon[7] chợt xoẹt ngang qua tâm trí.

Tôi cũng cởi áo khoác ra. Một chiếc áo bình thường, rẻ tiền nên tôi chẳng màng như thế nào, trái lại Chitanda lấy một cái móc treo từ lanh-tô để treo áo lên.

Dường như ngay sau đó cánh cửa trượt mở ra và một cô gái trẻ xuất hiện. Mặc một chiếc hakama[8] đỏ tươi với lớp áo khoác màu trắng, cô có mái tóc dài được buộc gọn ghẽ ra đằng sau khiến người ta liên tưởng tới một miko,[9] dù có cặp kiếng là lạc quẻ. Bỏ lỗi đó qua một bên, tôi thấy lạ vì trông cô có vẻ đã quen mặc thứ trang phục này tới mức khó mà tin là một người làm bán thời gian. Xem ra đây là lần đầu tiên tôi được diện kiến một miko chính hiệu rồi.

Biết là trẻ nhưng tôi vẫn tự hỏi cô gái này bao nhiêu tuổi. Chưa tới hai mươi đâu nhỉ, tôi nghĩ thế. Nhìn thấy Chitanda cô liền đi một mạch tới chúng tôi. Không lâu sau đó, người miko trong bộ hakama màu đỏ và Chitanda, người mặc một bộ kimono cũng màu đỏ đã ngồi đối diện nhau một cách đầy trang trọng. Cũng lúc này tôi mới để ý ống tay áo của Chitanda được trang trí bằng một đàn bướm rất đẹp.

Chitanda cúi đầu trước.

“Chúc mừng năm mới. Mong năm nay sẽ tốt hơn năm trước.”

Người miko lịch sự đáp lại.

“Chúc mừng năm mới.”

“Ba tớ gửi biếu đền chai sake này. Mong đền nhận cho.”

A, đây rồi. Tôi dâng chai rượu bằng hai tay. Người miko chống ba ngón mỗi bàn tay xuống sàn mà cúi đầu.

“Xin chân thành cảm tạ. Chúng tôi nhận.”

“Không đâu, đây chỉ là món quà nhỏ…”

Khi nhận ra tôi đã lỡ lời, Chitanda buột ra một tràng cười khúc khích.

“Oreki-san, tớ mới là người phải nói câu đó chứ.”

Quả vậy, tôi vừa nhận ra chả có lý do gì để mình, người chỉ giữ hộ bởi vì nó nặng, lại tỏ ra khiêm nhường dùm một món quà của gia đình Chitanda cả. Tệ thật, tôi đã quá thiếu cảnh giác khi bước vào một không gian không thân thuộc mà lỡ miệng mất rồi.

Ngay lúc rối rắm đó, người miko lên tiếng.

“Chúng tôi không nhận quà nhỏ đâu.”

Chitanda đáp với một tông điệu vui vẻ.

“Thôi nào, cậu nhận dùm cho… nó tuy nhỏ nhưng không nhẹ chút nào.”

Cuối cùng tôi cũng nhận ra khóe môi của người miko nãy giờ có khẽ nhếch lên. Dường như Chitanda và người miko này là người quen và đủ thân để có thể trao nhau những lời nói đùa. Nghĩ lại thì rất có thể màn chào hỏi lịch sự hồi nãy có thể cũng chỉ là trò đùa mà thôi. Tôi đã cả nghĩ rồi.

Người miko hỏi:

“Cậu học lớp B đúng không?”

Đúng là tôi đang học lớp 1-B trường cao trung Kamiyama.

“Vâng.”

Sao cô ta biết lớp của mình? Tôi vừa bắt đầu nghi thì cô hỏi tiếp câu thứ hai.

“Hôm nay không đi chung với Fukube-kun à?”

Biết cả Satoshi sao? Đây là sức mạnh của Thần Lực ư? Những thiếu nữ gác đền Arekusu thực sự có khả năng nhìn thấu người khác chăng? Vậy là cô ta cũng biết cả ngày hôm nay tôi chỉ nằm một đống ở nhà mất!

Có lẽ sự lo âu quá đà hiện rõ trên mặt hay sao, mà Chitanda liền thì thầm vào tai tôi.

“Đây là Juumonji Kaho-san.”

Ai?

“Cậu ấy học lớp 1-D.”

Tôi nhìn người miko trước mặt mình một lần nữa.

Cô có một phong cách điềm tĩnh, và cao hơn trung bình nên tôi không nghĩ là không thể. Cũng đã nghĩ là dưới hai mươi, nhưng…

“Bằng tuổi sao?” Tôi hét lên đầy kích động mà chả kịp hiểu sao mình lại làm vậy…

Và thế chỉ tổ làm cho Chitanda và Juumonij được một tràng cười giòn giã.

Nếu là lớp D thì nhỏ học chung với Satoshi nên biết hắn cũng là lẽ thường thôi.

Hai con người trong những bộ trag phục truyền thống Nhật Bản nói chuyện với nhau rất say sưa. Được một lúc thì có lẽ Juumonji đang dở việc, nên nhỏ đứng dậy và tỏ vẻ vừa nhớ ra điều gì.

“À mà, tí nữa gặp lại nhé.”

Nói xong Juumonji liền ra khỏi phòng. Chitanda gọi vói theo.

“Tụi mình muốn gặp Ibara Mayaka-san có được không?”

“Ibara… À, cậu ấy hả? Ưm, chắc là được thôi. Cậu cứ đi dọc theo hành lang này là tới phía sau cái sạp bán đồ lưu niệm, xem thử cậu ấy có ở đó không.”

Tôi có hơi bất ngờ khi một người ở đền lại gọi nó là “cái sạp”. Như thế chẳng phải là hơi bất kính sao? Không phải là tôi có kỳ vọng cụ thể gì về một miko nhưng mà… thôi kệ. Chitanda và tôi đứng dậy, mở cửa và đi về hướng mà Juumonji đã chỉ dẫn. Vừa ra hành lang, một âm thanh rì rào đủ để báo hiệu cho chúng tôi nơi chốn của khu vực buôn bán. Với đôi chân mang sẵn vớ tabi[10] thì Chitanda chỉ việc đi và đi, còn hai bàn chân tôi thì như muốn đông đá mỗi khi chạm xuống lớp sàn lạnh như băng.

Chúng tôi nhẹ nhàng mở cánh cửa trượt bằng gỗ ở cuối hành lang.

Mũi tên trừ ếm, cái cời bằng tre, lật đật daruma và bùa hộ mệnh các kiểu, đó là những món hàng được trưng bày trên kệ. Có tổng cộng ba người mặc đồ như miko trông coi quầy và giao tiếp với khách. Thế có cần thiết trong khoảng thời gian này không nhỉ? Tôi nghĩ hai là đủ. Chitanda quỳ xuống, rướn mình về phía trước và chuẩn bị thò nguyên cái đầu qua khe cửa để tìm Ibara nhưng ý định của nhỏ đã không thành hiện thực. Cửa vừa mới mở chúng tôi đã nhận ra ngay người ở gần nhất, và hiển nhiên là rảnh rang nhất trong bộ ba không ai khác hơn Ibara. Giống như Juumonji, nhỏ cũng khoác một lớp áo trắng bên ngoài bộ hakama màu đỏ và buộc mái tóc ra đằng sau.

Chờ đã, lạ thế. Ibara làm gì tóc dài? Vậy nó phải là tóc giả rồi. Liệu tôi có nghĩ như vậy nếu nhỏ thực sự nuôi tóc dài để có cái buộc hay không?

“Mayaka-san.”

Chitanda mỉm cười khi Ibara giật mình quay lại. Nhỏ cũng cười khi nhìn thấy Chitanda nhưng lại ném cho tôi một cái quắc mắt. Có khách ở đây nên Ibara không dám to tiếng, thay vào đó nhỏ mấy máy môi để buông một lời cảnh cáo rất khẽ.

“Đừng có nhìn.”

Đầu năm đầu tháng đã nói khó nghe vậy. Nếu không muốn bị người ta nhìn thì sao lại làm cái việc này?

“Chúc mừng năm mới.”

Ibara gật đầu đáp lễ lời chúc khẽ từ Chitanda. Nhỏ đưa mắt nhìn quanh, và khi xác nhận rằng không có việc phải lo nhỏ quay lại và niềm nở lên tiếng.

“Chúc mừng năm mới. Bộ kimono thật tuyệt vời! Cậu trông đẹp lắm!”

“Cám ơn cậu nhiều.”

“Đây là kimono chính thống à?”

“Không, chỉ là loại common thôi. Kimono chính thống tớ sẽ để dành khi lên đại học.”

Com-mon? Có phải là “common” trong “common sense” (suy nghĩ theo lẽ thường) không? Từ này được sử dụng rộng rãi từ lúc nào vậy? Tiếng Anh thậm chí đã lan tới thế giới của kimono rồi sao?

“Một tiếng nữa mới xong ca của tớ. Mấy cậu tính làm gì?”

“Có lẽ tụi tớ sẽ chờ trong phòng khách. Còn Fukube-san thì sao?”

“Cậu ấy có đến vào ban ngày, nhưng lại về để xem cái gọi là “Thành Odani: Khi gió đổi chiều” thì phải. Nhưng cậu ấy có bảo là sẽ quay lại sớm.”

Khi hai cô nàng mải mê chuyện trò thì chẳng có khách nào tiến về phía Ibara cả. Nhìn kĩ thì cũng chẳng có hàng quà nào bày biện trước chỗ của nhỏ cả. Tôi hỏi:

“Cậu bán gì thế?”

“Quẻ lộc. Tôi cũng trông nom trẻ đi lạc, đồ đánh rơi và đổi tiền lẻ các thứ.”

Quẻ thì khách tự rút cơ mà. Tất cả những việc họ cần làm chỉ là đặt một đồng một trăm yên lên cái bục được phủ giấy, và từ đó trở đi là tự-phục-vụ. Dường như nhận ra suy nghĩ của tôi, Ibara gượng gạo bồi thêm một câu nữa.

“Xin lỗi nhưng ban ngày tôi bận lắm nhé.”

Vậy là nhỏ thừa nhận rằng giờ mình rảnh rồi đấy, nhưng hẳn Ibara không nói xạo việc phải bận rộn vào buổi sáng. Có một cái khay đặt cạnh chỗ ngồi chứa đầy những thứ như điện thoại, ví tiền, chìa khóa và cả những chiếc dù gấp.

“Những người đạo dân chia nhau đi quanh đền và khi thấy bất cứ thứ gì trông có vẻ giá trị thì sẽ mang tới đây. Trẻ lạc cũng nhiều làm nên buổi sáng phải nói là bù đầu.”

Không cần phải nhấn mạnh đến thế, tôi thừa biết nhỏ không bao giờ bê tha trong công việc. Một chút cũng không.

Chuyển đề tài, Chitanda lên tiếng.

“Một quẻ bói nghe hay nhỉ. Tớ có thể rút một cái không?”

Nói xong nhỏ liền đứng dậy và quay lưng đi. Hành động đó khiến Ibara phải gọi lại.

“Ủa, cậu đi đâu vậy?”

“Quành ra phía trước…”

“Làm chi cho mắc công, cậu cứ rút ở đây.”

Được sự cho phép từ Ibara, Chitanda rút ví ra khỏi túi dây và lấy ra một đồng một trăm yên. Chiếc ví trông như được làm bằng da nên có lẽ là mắc, tuy nhiên Ibara lại chỉ dán mắt vào cái túi dây.

“A, cái túi dây này cũng đẹp tuyệt! Trông rất là sang!” “Hihihi.”

Được người ta khen lấy khen để vẻ ngoài của mình, Chitanda cười toe toét. Tôi lại thấy ngạc nhiên vì điều đó. Điều kiện nhỏ hẳn là khác nhiều so với các bạn nữ đồng trang lứa, vì vậy tôi có cảm giác những phản ứng rất-con-gái kiểu “hạnh phúc vì người ta khen cái túi dây của mình” thật chẳng giống nhỏ chút nào. Dĩ nhiên đây chỉ là những suy diễn bâng quơ. Nghĩ rằng mình có thể luận ra mọi thứ về một ai với chỉ rất ít thông tin của người đó là phạm vào đại tội “Kiêu ngạo” và tôi không nên mắc lại sai lầm đó vào năm nay nữa.[11]

Chẳng màng tới cái quyết tâm hoàn toàn không đáng tin của tôi, Ibara dường như đang chìm trong suy tư. Một hồi nhỏ mới lầm bầm:

“Ừm, túi dây thông thường phải là thế này chứ…”

Phải rồi, chứ cái túi dây Satoshi luôn phe phẩy bên mình tuyệt đối không thể coi là “sang” được.

Đây là lần đầu sau một thời gian rất dài tôi đi viếng đền nên rút một quẻ cũng chẳng chết ai. Lấy một đồng một trăm yên, tôi đặt nó vào lòng bàn tay Ibara ngay trên đồng xu của Chitanda. Ibara đặt chúng lên bục, rồi đưa ra cho chúng tôi một cái hộp gỗ hình trục lục giác.

“Đây… Cầu mong chư thần phù hộ cho các cậu.”

Nghe có cái gì sai sai thì phải.

Chitanda là người rút trước, nhỏ mở miếng giấy được cuộn tròn một cách đầy căng thằng. Trước khi tôi kịp mở của mình thì Chitanda đã la lên đầy phấn khích.

“Woa! Là một quẻ ‘Đại Cát’!”

Thế là tốt, nhưng lẽ ra nhỏ nên chờ để tôi kiểm tra cái quẻ của mình có gì xấu không rồi hẵng mừng chứ.

Rồi thì tôi cũng mở ra.

“…”

“Sao vậy Oreki-san?”

“Không có gì. Xem ra sẽ là một năm tốt lành đây.”

Ống tay áo màu trắng của Ibara đung đưa khi nhỏ chỉ vào tôi mà nói.

“Ông bốc trúng một quẻ ‘May mắn lần sau’[12] phải không nào?”

Tôi thật tình là người dễ đọc nét mặt đến thế ư? Thở dài, không còn cách nào khác tôi bèn giơ tờ giấy ra trước mặt hai cô nàng.

Tai hoa gạo gắng tìm tới lạc viên

Bị đục mổ bởi muôn loài chim chóc

Bị uốn cong bởi nghìn trùng dông bão

Điềm tốt lành bất khả tiến vào thân

Cùng hai chữ lớn,

ĐẠI HUNG.


  1. Dịch thoát nghĩa, nguyên bản là “kẻ mộ đạo của Kanke”. Kanke tên đầy đủ là Sugiwara no Michizane – một học giả, nhà thơ và chính trị gia thường được người ta tôn là “Thánh học”.
  2. Con gái mà ăn mặc, điệu bộ như con trai.
  3. Theo cách hiểu đơn giản nhất thì nó là 1 cái bàn, được phủ 1 tấm chăn lên và bên trong đặt lò sưởi, người ta sẽ chui vào dưới đó cho ấm.
  4. Thần thu hoạch, màu mỡ và sung túc.
  5. Cấp bậc cao nhất là một đền thờ nhận được.
  6. Daruma là con lật đật đặc trưng của Nhật Bản, “lò sưởi daruma” có cái tên như vậy vì hình dáng của nó giống daruma.
  7. Môt bộ phim truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản. Tokugawa Mitsukuni – nhân vật chính – luôn tự xưng mình là “một thương nhân vải crêpe đến từ Etsugo”.
  8. Một loại trang phục truyền thống. Mặc ở ngoài kimono, thắt ở eo và thả dài xuống mắt cá như một loại đầm.
  9. Danh xưng dành cho những thiếu nữ đồng trinh làm việc trong đền.
  10. Loại vớ có xẻ một đường ở ngón cái để dễ đi guốc.
  11. Nội dung một câu chuyện ngắn khác của Hyouka – “Phạm vào bảy đại tội”.
  12. Dường như là một cách nói cạnh khóe của Ibara, vì “may mắn lần sau” có thể hiểu là bây giờ chẳng có chút may mắn gì cả.

Theo dõi & Thanh chuyển trang

Bỏ theo dõilatest?cb=20190220103837&format=originalbộ truyện này
► Xem lại Tập 4 Story 5 Chương 1♬   Hyouka   ♬► Xem tiếp Tập 4 Story 5 Chương 3
Advertisement